Thành lập các đặc khu kinh tế: Quan trọng nhất là nhất thể hóa bộ máy lãnh đạo

Theo Trí Dũng/kinhtevadubao.vn

Để thành lập các đặc khu kinh tế thì đầu tiên là vấn đề thể chế. Thể chế không chỉ làm cách làm và dám làm, mà quan trọng nhất là nhất thể hóa bộ máy lãnh đạo. Người đứng đầu đặc khu vừa đứng đầu về mặt Đảng vừa đứng đầu chính quyền. Nếu cần, người đứng đầu sẽ quyết.

 Phú Quốc. Ảnh: Kyluc.vn
Phú Quốc. Ảnh: Kyluc.vn
Đó là nhận định của chuyên gia cao cấp Nguyễn Sĩ Dũng khi cùng các chuyên gia kinh tế khác thảo luận về việc thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế chiều 24/10.
Cần tìm hiểu và có cái nhìn khách quan về mô hình khu kinh tế

TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam đã mang tới một thông điệp rất rõ ràng là, trước khi thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), cần nhìn lại các khu kinh tế của Việt Nam hiện nay.

Như trường hợp của Thủ Thiêm - TP. Hồ Chí Minh, cũng trong vòng 20 năm mà Thượng Hải (Trung Quốc) đã hình thành khu kinh tế có GDP bằng với Singapore, Đà Nẵng cũng phát triển nhanh gấp 10 lần. Trong khi đó, Thủ Thiêm có cả tiền và vị trí đắc địa mà chưa phát triển được.

"Tuy không được gọi là khu kinh tế, nhưng tỉnh Bình Dương hay Nam Sài Gòn lại có nhiều bài học thành công trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo ra các đô thị hiện đại qua cách tiếp cận và quá trình phát triển thực chất như các khu kinh tế”, ông Du dẫn chứng.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua 6 dự án Luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật khác. Trong 9 dự án Luật này có dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Một điều rất đáng lưu ý là với Bình Dương – trường hợp điển hình nhất, cách đây hơn hai thập niên đã không có được những chính sách hay thể chế vượt trội với các địa phương khác, nhưng họ đã thành công. “Thực ra, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của mô hình các khu kinh tế là tạo ra các đột phá, nhất là đột phá hay cải cách thể chế.
Có được điều này thì những yếu tố khác thường kéo theo. Tuy nhiên, các khu kinh tế ở Việt Nam thường chỉ chú trọng đến các lợi ích trực tiếp tính bằng số vốn, số doanh nghiệp, số việc làm hay doanh số, trong khi các lợi ích mềm hay nhân tố động, đặc biệt là vai trò “phòng thí nghiệm chính sách” chưa được quan tâm”, TS. Du chỉ rõ.

Điều đáng lo ngại là những thành công hay điểm sáng không chỉ không được khuyến khích hay nhân rộng mà có nguy cơ đang bị triệt tiêu, cô lập hay “đồng hóa” bởi hệ thống quan liêu không có động cơ hiện tại.

Vì thế, ông Du cho rằng, cách làm là then chốt chứ không phải chính sách trên giấy hay khu kinh tế được thành lập chính thức.

“Cả Bình Dương và nam Sài Gòn, ngân sách gần như không phải bỏ ra đồng nào nhưng hiện đang là những con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách nhà nước cùng với rất nhiều lợi ích kinh tế khác được tạo ra. Tuy nhiên, sự kháng cự không muốn thay đổi đang triệt tiêu sự sáng tạo, nhiệt huyết cũng như ước muốn làm cái mới. Nếu không nhận được sự ủng hộ và đồng thuận từ lãnh đạo cấp cao và không vượt qua được tình trạng hiện hữu (status quo) thì sẽ rất khó cho tương lai của mô hình khu kinh tế ở Việt Nam”, ông Du thẳng thắn.

Theo ông Du, môi trường tạo ra và nuôi dưỡng các doanh nhân công là hết sức quan trọng. Đâu ai có động cơ làm những cái mới không có trong quy trình, quy định khi việc bổ nhiệm hay thăng tiến dựa trên tiêu chí không sai thay vì làm được nhiều điều hữu ích với một vài trục trặc.

Cách thức phân bổ nguồn lực phổ biến ở Việt Nam hiện nay là người/nơi làm tốt đang “bị phạt” trong khi người làm không tốt hay nơi sử dụng nguồn lực không hiệu quả lại được ưu ái.

“Bằng chứng rõ ràng nhất là các địa phương đang tạo ra nhiều nguồn thu, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn lại phải chia sẻ hay bị lấy đi rất nhiều, trong khi những địa phương thực sự không có lợi thế kinh tế vẽ vời đủ thứ để tranh giành nguồn lực cho những dự án mà tính khả thi về mặt kinh tế gần như bằng không”, ông Du dẫn chứng.

Trên cơ sở nghiên cứu của mình, ông Du nhận định, với đặc khu kinh tế thì vị trí là quan trọng nhất. Trong số những đặc khu kinh tế ở cả 3 miền mà Việt Nam đang định thành lập, Vân Đồn với Phú Quốc còn có chút lợi thế, chứ Vân Phong ở miền Trung thì không có gì.

"Cần nhìn lại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp đã được hình thành từ lâu nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Các khu kinh tế hiện nay thực chất chỉ là nơi tập trung các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất công nghiệp của các địa phương. Sự thành công của khu Nam Sài Gòn là không đáng kể vì chỉ trong diện tích 400 ha", TS. Huỳnh Thế Du lưu ý.

Theo chuyên gia này, Việt Nam nên tập trung vào những đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vì sự phát triển của mỗi quốc gia là sự phát triển của các đô thị lớn.

Phải thực sự có một cơ chế điều hành cởi mở

Không hoàn toàn đồng tình với quan điểm của vị chuyên gia đến từ Fullbrigt,  TS. Nguyễn Sỹ Dũng, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, việc đánh giá các khu kinh tế không hiệu quả hay hiệu quả không đáng kể sẽ khiến người làm đặc khu kinh tế “tâm tư”.

Để bảo đảm tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội, cạnh tranh quốc tế, cơ quan soạn thảo đề xuất xác định chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là cấp chính quyền địa phương. Theo đó không tổ chức HĐND và UBND tại ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Thực tế, khu kinh tế sẽ giúp tháo gỡ được nhiều vấn đề về cơ chế. Nhiều khu kinh tế đang mang lại sự phát triển cho các tỉnh như Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng - Hà Tĩnh…
Tuy nhiên, để thành lập các đặc khu kinh tế thì đầu tiên là vấn đề thể chế. Không chỉ là dám làm và cách làm, đầu tiên là cần nhất thể hóa bộ máy lãnh đạo. Người đứng đầu đặc khu vừa đứng đầu về mặt Đảng vừa đứng đầu chính quyền. Nếu cần, người đứng đầu sẽ quyết.

Thứ hai, các cơ quan công quyền độc lập phải được tồn tại tại các đặc khu như giao thông, công an, hải quan… Cần là quyết, không cần trình lên cấp trên, không chỉ là cơ quan tham mưu", ông Dũng khuyến nghị.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu Luật Thương mại của Anh để áp dụng tại Phú Quốc, như Singapore hay Malaysia đang áp dụng thành công.

Đồng tình với ông Dũng, TS. Du cũng cho rằng, chìa khóa của thành công là dám làm và cách làm. Ba mũi đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thể chế là nút thắt quan trọng nhất cần khơi thông.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, các đặc khu hành chính - kinh tế phải thực sự có một cơ chế điều hành cởi mở, thông thoáng, thu hút được người tài và là động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu chỉ có những ưu đãi quen thuộc về thuế, đất đai... thì không thể biến những nơi này thành trung tâm kinh tế được.

Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Minh Phong, báo Nhân dân cho rằng, đặc khu kinh tế là loại hình tốt, đã có những kết quả tốt khi áp dụng tại một số nước. Đặc biệt là khi toàn cầu hóa chưa phát triển và các cơ chế kinh tế còn lạc hậu. Tuy nhiên, cần lưu ý tới các vấn đề về an ninh quốc phòng.

"Khi chúng ta tạo cơ chế thuê đất dài 77 năm hay 99 năm cho các đặc khu thì các nước không thân thiện có thể dùng tiền để mua diện tích đất để có đặc quyền ở đó. Cả 3 đặc khu như dự định đều nằm ở vị trí nhạy cảm. Việc kết nối thể chế đặc khu với hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn thiện, hoặc chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ. Nếu ta cứ làm, vừa làm vừa sửa sai thì rất nguy hiểm", ông Phong lưu ý.

Do đó, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, nên thận trọng, chỉ thí điểm ở một đặc khu Phú Quốc, 2 nơi còn lại thì dừng lại chờ thí điểm để tránh sai đồng loạt.