Tìm động lực cho tăng trưởng
Tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công mà giải pháp trước hết là phải nới trần nợ công, tháo nút thắt cho đầu tư công để có tăng trưởng.
Tăng trưởng GDP quý I và quý II đạt thấp nhưng quý III lại tăng đột biến, đã đặt ra câu hỏi, tăng trưởng 2018 và 2020 sẽ như thế nào, dựa vào đâu, những động lực tạo nên tăng trưởng ở quý III liệu có bền vững và có còn cho các năm sau?
Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, tăng trưởng GDP quý III tăng mạnh và năm 2017 sẽ đạt mục tiêu 6,7%. Nhưng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - TS. Nguyễn Đình Cung: “Chúng ta không nên yên tâm dừng ở đó (ở mức tăng trưởng cao của quý III) vì tăng trưởng cao nhưng khoảng cách giữa tăng trưởng và thu nhập khá xa. Tăng trưởng tổng thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng thấp và càng xa GDP”.
Nhìn lại tăng trưởng 9 tháng, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay (trong đó có tăng trưởng mạnh của Samsung Việt Nam bán sản phẩm Samsung Note 8 ra thị trường) đã bù đắp sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng. Tiếp theo là công nghiệp xây dựng và tăng trưởng của dịch vụ du lịch, tăng trưởng từ ngành nông, lâm thủy sản và từ khu vực đầu tư nước ngoài...
Nếu những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong quý III vừa qua sang năm không còn nữa, hoặc còn nhưng đóng góp cho tăng trưởng không nhiều thì ta trông vào động lực nào để tăng trưởng đạt mức 6,5-6,7%, Ông Cung đặt vấn đề.
Để có được động lực tăng trưởng bền vững cho các năm 2018-2020, trước hết phải xác định năm 2018 là năm giảm chi phí kinh doanh, trọng tâm chính sách là phát triển thành phần kinh tế trong nước để thu hẹp khoảng cách GNI và GDP, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, giảm chi phí logicstic, đẩy mạnh cải cách DNNN, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Giải pháp quan trọng nữa đó là tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công mà giải pháp trước hết là phải nới trần nợ công, tháo nút thắt cho đầu tư công để có tăng trưởng. Trần nợ công hiện nay đang là nút thắt ngặt nghèo kìm hãm đầu tư công và tăng trưởng. Cần khẩn trương tháo bỏ các vướng mắc về quy trình, thủ tục hành chính… tập trung vốn đầu tư đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các dự án quan trọng quốc gia như tuyến Metro1 TP. HCM, đường sắt trên cao và Metro Hà nội, sân bay Tân Sơn Nhất… Muốn giảm bội chi và giữ an toàn cho nợ công thì phải bằng cách giảm chi thường xuyên và nâng cao hiệu quả và kỷ luật chi tiêu ngân sách chứ không phải kìm hãm đầu tư công.
“Chúng ta không thể để bội chi kéo dài do chi thường xuyên cao mãi như thế này. Cũng không thể kéo dài mãi những việc kéo từ năm này qua năm khác mà không ai chịu trách nhiệm. Chẳng hạn như hầu hết các dự án đầu tư công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, với mức gấp 1,5 đến 2 lần mức được duyệt. Đây không phải là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành phổ biến”, Viện trưởng Cung nói. Hay như hiện tượng BOT, ở nhiều đoạn đường, thu phí trước khi dự án hoàn thành. Như vậy đây không còn là phí mà đã trở thành khoản thu thuế, thu hôm nay để đầu tư cho đoạn đường ngày mai. Giải pháp tiếp theo là cần truy trách nhiệm và xử lý tổ chức, cá nhân liên quan, ngăn chặn tái diễn hiện tượng này, đây cũng chính là một dư địa tạo động lực cho tăng trưởng.
Động lực tiếp theo, là các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN, điều này rất quan trọng. Giải pháp là tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu; thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước.
Đề nghị tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho DN, giảm chi phí logicstic, giảm chi phí công đoàn, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… Và không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính, mà nếu tăng, không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Động lực tiếp theo là sửa Luật Đất đai, tạo điều kiện ban đầu hình thành thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp.
Dồn nguồn lực cho các cực phát triển là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và phát triển đặc khu kinh tế là một động lực tăng trưởng mới. Theo ông ông Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) phát biểu. Cứ nói nguồn lực thiếu, nhưng ngay cả khi tiền có rồi lại rơi vào vòng xoáy trò chơi “đổ lỗi” tại địa phương – tại trung ương. Thực trạng “cách phân bổ nguồn lực phổ biến ở Việt Nam hiện nay là người làm tốt, nơi làm tốt đang “bị phạt” trong khi làm không tốt, sử dụng nguồn lực không hiệu quả lại được ưu ái.
Bằng chứng rõ ràng nhất là các địa phương đang tạo ra nhiều nguồn thu, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn lại phải chia sẻ hay bị lấy đi rất nhiều, trong khi các địa phương không có lợi thế thực sự lại vẽ vời đủ thứ để tranh giành nguồn lực cho những dự án mà tính khả thi là bằng không. DN làm ăn tốt thì đóng thuế rất nhiều, DN làm ăn kém hiệu quả thậm chí gây tổn thất lại được ưu ái, được giải cứu.
Chốt lại vấn đề được bàn luận, TS. Nguyễn Minh Phong nói rằng: Nếu cứ tư duy như cũ thì không thể có đột phá, không thể có động lực mới. TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: thúc đẩy tăng trưởng phải cải cách phải hành động, nếu cứ tính toán với những nỗi lo “mất thứ này mất thứ kia” thì sẽ không bao giờ có đột phá để có động lực bền vững.