Đại hội cổ đông ngân hàng: Những vấn đề nóng
Dù còn hai tháng nữa mới đến giai đoạn cao điểm các ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2020, nhưng thời điểm này đã có một số ngân hàng thông báo kế hoạch tổ chức và những vấn đề quan trọng dự kiến sẽ lấy ý kiến cổ đông trong các cuộc họp tới.
Cổ tức, nhân sự - những vấn đề cũ luôn mới
Việc chia cổ tức của các ngân hàng (NH) chưa bao giờ hết nóng, từ những NH thương mại cổ phần (TMCP) có vốn nhà nước chi phối cho đến những NH TMCP tư nhân đã niêm yết cũng như chưa niêm yết. Dù là một trong những ngành hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận cao, nhưng chính sách chia cổ tức của các NH dường như hiếm khi làm hài lòng cổ đông, nhất là khi không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu khiến không ít cổ đông ngán ngẩm.
Là doanh nghiệp buôn tiền, những quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp lên các NH luôn khắt khe và chặt chẽ, trong đó việc yêu cầu tăng vốn để đáp ứng những quy định an toàn ngày càng nâng cao khiến các ông chủ nhà băng phải ưu tiên giữ lại lợi nhuận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chính sách này mâu thuẫn với mong muốn của cổ đông là được nhận cổ tức bằng tiền mặt, do đó các cuộc tranh cãi, chất vấn về chính sách chia cổ tức tại các cuộc họp ĐHCĐ hằng năm luôn trở thành tâm điểm. Ngay cả những cổ đông lớn là Nhà nước cũng muốn được nhận cổ tức bằng tiền mặt, do đó đã xảy ra tranh luận giữa Bộ Tài chính và các NH như BIDV hay Vietinbank từng làm xáo động thị trường.
Thời gian gần đây, sau khi tái cấu trúc thành công, nhiều NH đã chia cổ tức hài hòa, cân đối hơn giữa tiền mặt và cổ phiếu nhằm đảm bảo kế hoạch tăng vốn cũng như thỏa mãn phần nào mong muốn của cổ đông. ACB cho biết sẽ lấy ý kiến cổ đông trong cuộc họp vào ngày 7/4/2020 tới, với kế hoạch chia cổ tức 2019 tỷ lệ 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, năm 2020 tỷ lệ chia cổ tức là 25%.
Nhân sự cũng là vấn đề ngày càng thu hút sự quan tâm trong những kỳ ĐHCĐ gần đây, khi các cuộc thâu tóm, sáp nhập trong ngành trở nên phổ biến trong giai đoạn tái cấu trúc những năm qua. Ắt hẳn nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quên những thay đổi nhân sự đột ngột tại Sacombank, hay gần đây là những xáo trộn trong ban quản trị của Eximbank đến mức phải hoãn ĐHCĐ nhiều lần do không thống nhất được quan điểm.
Cụ thể, sau hai lần tổ chức bất thành trong năm 2019, ngày 20/2/2020 vừa qua, Eximbank cho biết sắp tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua kế hoạch kinh doanh 2019, dù năm 2019 đã kết thúc. Theo tài liệu ĐHCĐ bất thường lần này, các cổ đông Eximbank sẽ bàn về bầu bổ sung thành viên vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ VI (2015-2020), cũng như sẽ không chia cổ tức năm 2018 cho cổ đông vì thuộc tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt gia hạn được thanh toán.
Kế hoạch niêm yết và những vấn đề phát sinh
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu chính thức đối với những NH chưa lên sàn cũng sẽ được nhiều cổ đông chất vấn trong kỳ đại hội lần này, khi có đến một nửa trong số các NH TMCP vẫn chưa niêm yết, nhất là khi năm 2020 này sẽ là hạn cuối niêm yết theo quy định của NHNN. Rõ ràng việc hẹn lần hẹn lữa, trì hoãn, dời lại NH không tận dụng được thời điểm tốt nhất của thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2017-2018, dẫn đến thiệt hại cho không ít cổ đông, nhất là những cổ đông lớn đã có kế hoạch thoái vốn.
Trước dòng vốn đầu tư nước ngoài rót mạnh vào Việt Nam trong thời gian gần đây, ngành NH trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư các nước, trong đó không ít thương vụ các nhà băng trong nước đã bán vốn thành công cho cổ đông, đối tác chiến lược nước ngoài. Chính vì vậy, nhiều NH gần đây quay lại kế hoạch tìm kiếm đối tác, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng nội lực tài chính, đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo quy định mới cũng như đảm bảo cho mục tiêu phát triển. Do đó, việc lấy ý kiến phát hành cổ phần thêm cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể là trọng tâm trong kỳ đại hội lần này tại một số NH.
Việc tăng vốn không chỉ nhắm đến việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà những phương án tăng vốn bằng cách phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên cũng được nhiều NH triệt để áp dụng. Như ĐHCĐ bất thường của NH TMCP Quốc Dân mới đây đã thông qua phương án phát hành 300 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên hơn 7.000 tỷ đồng trong quý I/2020, trong đó 10 triệu cổ phần bán cho người lao động và 290 triệu cổ phần bán cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/CP.
Đáng lưu ý là nếu như những năm trước, kế hoạch kinh doanh do ban lãnh đạo các NH đặt ra thường được dễ dàng thông qua, thì năm nay có thể sẽ bị chất vấn nhiều hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh Corona đang lan rộng, nền kinh tế đối mặt thêm nhiều thách thức thì các NH sẽ phải thận trọng hơn trong việc đặt kế hoạch cho năm nay, nhất là hai năm qua đã tăng trưởng quá mạnh, tuy nhiên sự giảm tốc nếu có cũng sẽ khiến không ít cổ đông không hài lòng.