Ưu đãi lãi suất, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp

THeo Duy Minh/congthuong.vn

Mặc dù tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm: Chưa phải thời điểm điều chỉnh mục tiêu tăng tín dụng. Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bằng cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay và tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi là các giải pháp được ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai trong thời điểm này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông tin từ Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Tăng trưởng tín dụng giảm chủ yếu ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến - chế tạo, nông - lâm - nghiệp, thủy sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, nhiều ngành hàng, lĩnh vực bị ảnh hưởng từ tác động của dịch Covid-19 đã khiến doanh thu và dòng tiền trả nợ sụt giảm, tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng. "Theo đánh giá đến ngày 12/2/2020 của 43 tổ chức tín dụng (TCTD), dự kiến, dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch chiếm khoảng 13% dư nợ của các TCTD này, khoảng 950 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước đánh giá, dư nợ bị ảnh hưởng tới gần 600 nghìn tỷ đồng"- ông Hùng thông tin.

Ngay từ đầu tháng 2, NHNN và các TCTD đã quyết liệt đưa ra và thực hiện những giải pháp hỗ trợ trước mắt cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hàng loạt gói vay ưu đãi đã được các ngân hàng đưa ra thị trường, đơn cử: BIDV triển khai gói tín dụng ngắn hạn quy mô lên tới 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho DN; Sacombank triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2%/năm, tối thiểu 6,5%/năm đối với DN và 8,5%/năm đối với cá nhân vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, cơ cấu nợ… Ngân hàng SHB dành 3.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với khoản vay mới, điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Dự báo, diễn biến của dịch Covid- 19 còn rất phức tạp, khó đoán định, nên việc ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sẽ chưa thể chấm dứt trong thời gian ngắn. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí, mục tiêu tăng tín dụng cần được xem xét. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, NHNN vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Trước mắt, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng, lạm phát để điều hành linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay...

Nhìn nhận diễn biến thị trường, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực đưa ra quan điểm, chính sách tiền tệ ở thời điểm này chưa cần tung ra gói hỗ trợ lãi suất cũng như giảm lãi suất điều hành bởi áp lực lạm phát năm nay ở mức khá cao, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tính đến quý II/2020 còn yếu. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và DN là dòng tiền và tính thanh khoản nên cần tập trung hỗ trợ khu vực này. "NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí để xác định đối tượng được hỗ trợ và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn" - TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Ông NguyễnQuốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:
Để tạo điều kiện cho các TCTD đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, NHNN kiến nghị Chính phủ cho phép đối tượng khách hàng chưa trả được nợ vay ngân hàng đến hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hưởng cơ chế cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ tương tự như cơ chế tại Nghị định số 55 và Nghị định số 116.