Đài Loan xử lý nợ và tái cơ cấu các tổ chức tài chính như thế nào?
Hệ thống ngân hàng Đài Loan được hình thành từ năm 1945 trên cơ sở tiếp quản các ngân hàng vốn đã được hình thành từ thời kỳ là thuộc địa của Nhật Bản. Từ năm 1960, các ngân hàng hoạt động tại Trung Quốc đại lục được chính phủ Đài Loan cho phép mở cửa trở lại, đồng thời thành lập một số ngân hàng và công ty tín thác đầu tư, ngăn cấm mở thêm các ngân hàng tư nhân, từng bước tự do hóa tỉ giá hối đoái và nâng dần giá trị của đài tệ, hoàn thành hạ tầng tài chính cơ bản.
Từ giữa năm 1998, Đài Loan bắt đầu bị tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính Đông Á 1997, tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh, từ 4,18% năm 1997 lên 8,16% vào cuối năm 2001 và 8,8% vào năm 2002, riêng nợ xấu của nhóm các tổ chức tài chính cơ sở lên tới 16,39%, rủi ro đạo đức và tội phạm ngân hàng tăng mạnh, mà đối tượng vi phạm bao gồm cả một số lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng.
Cải cách tài chính tại Đài Loan
Giai đoạn 1: Từ giữa năm 1999, chính phủ Đài Loan đã tiến hành quản lý các khoản nợ, yêu cầu các ngân hàng xử lý nợ xấu, giảm thuế thu nhập của các tổ chức tài chính từ 5% xuống 2%, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại NHTW nhằm giúp các ngân hàng có thêm nguồn tài chính để giải quyết nợ xấu.Thành lập các công ty quản lý tài sản nhằm thúc đẩy việc phân loại và xử lý nợ xấu, thực hiện các biện pháp để giảm nợ xấu tại các ngân hàng trong nước.
Từ tháng 7/2001, Đài Loan tập trung vào việc củng cố hệ thống pháp lý để tái cơ cấu khu vực ngân hàng và giảm nợ xấu tại các ngân hàng trong nước. Bao gồm, luật sáp nhập các tổ chức tài chính, luật công ty tài chính cổ phần, hình thành ban quản lý đài tệ, luật thuế giá trị gia tăng, luật chứng khoán hóa tài sản tài chính, thành lập ủy ban giám sát tài chính và tiền tệ, luật chứng khoán hóa bất động sản, điều chỉnh luật bảo hiểm tiền gửi.
Ngày 27/6/2001, Đài Loan đã thông qua điều lệ thành lập và quản lý quĩ tái cơ cấu tài chính nhằm thiết lập cơ chế và nguồn vốn để giải thể các tổ chức tài chính yếu kém. Nguồn vốn của quĩ được huy động từ thuế thu nhập của các tổ chức tài chính và bảo hiểm tiền gửi của các đơn vị tham gia bảo hiểm, quĩ đã giúp 13 ngân hàng trong nước thực hiện việc giải thể và củng cố 45 tổ chức tài chính địa phương và 2 ngân hàng.
Tháng 7/2002, chính phủ bắt đầu thực hiện cải cách tài chính và thành lập đội đặc nhiệm cải cách tài chính (FRTF), bao gồm thành 5 nhóm tác nghiệp: ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn, các tổ chức tài chính địa phương, chống tội phạm tài chính. Đây là một tổ chức thống nhất hành động, xây dựng kế hoạch và thực thi các chiến lược cải cách một cách có hiệu quả. FRTF đã xác định 23 vấn đề cải cách tài chính và đưa ra 63 khuyến nghị cụ thể. Đáng chú ý, đã thành lập mới cơ quan giám sát tài chính, tăng cường hình phạt các tội phạm tài chính, thiết lập hệ thống tài trợ nông nghiệp.
Liên quan đến việc tăng cường hình phạt vi phạm tài chính, Đài Loan đã chỉnh sửa lại luật ngân hàng, luật công ty tài chính cổ phần; phê chuẩn và ban hành các dự luật về công ty tín thác, hợp tác xã tín dụng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Đối với các tội phạm tài chính, mức phạt tiền lên tới 500 đài tệ (1,5 triệu USD) và phạt tù tới 10 năm.
Để vô hiệu hóa các khoản chuyển giao tài sản phi pháp, Đài Loan tiếp tục có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện để tòa án vô hiệu hóa các khoản chuyển giao tài sản của các chủ tịch HĐQT và cán bộ quản lý cao cấp, thiết lập qui trình thúc đẩy xét xử và quyết định của các cơ quan tòa án.
Kể từ cuối năm 2001, đã có 14 công ty tài chính cổ phần được thiết lập với tổng số 89 tổ chức tài chính thành viên (bao gồm việc sáp nhập 15 ngân hàng, 14 công ty chức khoán, 8 công ty bảo hiểm và 6 công ty tài chính hối phiếu).
Kết thúc giai đoạn này, tỉ lệ nợ xấu giảm dần từ 7,8% vào năm 2001 xuống 4,33% vào năm 2003 và 2,74% vào tháng 3/2005. Tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản và tỉ lệ lợi nhận trên vốn chủ sở hữu cải thiện từ -0,48% vào năm 2002 lên 0,63% vào năm 2004 và từ -6,93% vào năm 2002 lên 10,3% vào năm 2004. Riêng tỉ lệ vốn tự có được cải thiện chậm hơn, từ 10,63% vào năm 2002 lên 10,69% vào năm 2004. So với năm 2002, qui mô thị trường tài chính năm 2004 được mở rộng với tổng tài sản tăng 22,7-38,6%. Lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, dòng vốn vào tăng từ 2,6 tỉ USD vào năm 1993 lên 31,4 tỉ USD năm 2000 và 80,1 tỉ vào USD năm 2004.
Giai đoạn 2: Ngày 17/12/2004, đề án thúc đẩy trung tâm dịch vụ tài chính khu vực được phê duyệt, mở đầu giai đoạn 2 của công cuộc cải cách tài chính. Trong giai đoạn này, đã thực thi 5 chiến lược lớn nhằm kiện toàn tổng thể môi trường tài chính, thúc đẩy trung tâm tài chính khu vực, thúc đẩy nghiệp vụ quản lý tài chính, đa dạng hóa các dịch vụ tài chính, tăng cường thể chế thị trường tài chính.
Mục tiêu trước mắt là củng cố hệ thống tài chính, đảm bảo đến cuối năm 2005, tăng qui mô của 3 ngân hàng lớn nhất với thị phần của mỗi ngân hàng là 10%, giảm một nửa số lượng ngân hàng thương mại nhà nước xuống còn 6 ngân hàng; đến cuối năm 2006, giảm một nửa số lượng các công ty tài chính cổ phần xuống còn 7 công ty, tối thiểu có 1 ngân hàng thuộc quyền sở hữu của nước ngoài hoặc được niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Mục tiêu dài hạn của giai đoạn hai là phát triển Đài Loan thành trung tâm tài chính tự do, mở cửa và có hiệu quả trong khu vực thông qua các nỗ lực nới lỏng kiểm soát và phát huy sáng kiến, nhưng nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thành, 14 công ty tài chính cổ phần vẫn hoạt động trên thị trường tài chính, việc củng cố tài chính vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nhằm cải thiện tình hình ngân hàng tại Đài Loan.
Trong hệ thống ngân hàng, chính phủ Đài Loan đã đề ra 4 hạng mục cải cách, bao gồm: Xây dựng cơ chế hiệu quả xử lý nợ xấu ngân hàng, đẩy mạnh khả năng đối phó với vấn đề tái cơ cấu tài chính, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các ngân hàng, tăng cường giám sát tài chính.
Mục tiêu cải cách hệ thống ngân hàng bao gồm, giảm các khoản nợ quá hạn, tăng cường đối phó với vấn đề cơ cấu tài chính, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, nâng cao tính thanh khoản thị trường vốn, tăng cường quản lý và giám sát tài chính, góp phần hình thành thị trường tài chính chất lượng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tài chính.
Trong giai đoạn 2004-2008, thực hiện 31 vụ mua bán và sáp nhập ngân hàng, giảm số lượng ngân hàng từ con số 53 xuống 39 với 3.294 chi nhánh, số lượng ngân hàng hợp tác xã giảm từ con số 74 vào năm 1994 xuống con số 27 vào năm 2004.
Về cải cách giám sát tài chính, Đài Loan đã thành lập lại Ủy ban giám sát tài chính vào ngày 01/7/2004, thực hiện chức năng quản lý thị trường tài chính, bao gồm phát triển, giám sát, quản lý và giám sát nghiệp vụ của tất cả các tổ chức tài chính. Với việc thành lập mới Ủy ban giám sát tài chính, công cuộc cải cách tài chính bắt đầu được xúc tiến mạnh mẽ tại Đài Loan. Tháng 6/2004, thành lập ban xúc tiến khu vực dịch vụ tài chính (cải cách lần 2). Tháng 8/2008, thúc đẩy Đài Loan trở thành trung tâm tài chính và quản lý vốn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ năm 2009, tiếp tục thúc đẩy phát triển dịch vụ tài chính và hình thành nền tảng tài chính quốc gia. Đến 30/9/2012, quĩ tái cơ cấu tài chính đã xử lý tổng cộng 63 tổ chức kinh doanh không hiệu quả, bồi thường 289 tỉ đài tệ.
Thị trường tài chính Đài Loan đã từng bước phát triển theo cơ chế thị trường, nâng dần vị thế của ngành tài chính Đài Loan trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước và ngoài nước.
Những kết quả cải cách tài chính của Đài Loan
Từ quí 2/2002, kinh tế Đài Loan có dấu hiệu phục hồi, tình hình tài chính của các doanh nghiệp được cải thiện. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013, năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính Đài Loan xếp thứ 19 trong tổng số 144 nền kinh tế được khảo sát, tiến 5 bậc so năm trước.
Năm 2011, chỉ số ngân hàng lành mạnh của Đài Loan đã vươn lên vị trí 51, cao hơn nhiều so với Nhật Bản (xếp thức 63), CHLB Đức (75), Mỹ (97) và Hàn Quốc (98), tỉ lệ an toàn vốn là 11,97% (vào tháng 6/2012). Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 11,76% vào tháng 4/2002 xuống 1,84% vào cuối năm 2006 và 0,51% vào tháng 9/2012.
Trong quá trình tái cơ cấu nợ, tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh, đồng thời dư nợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng từ 2.366.600 tỉ đài tệ vào tháng 7/2005 lên 4.323.100 tỉ đài tệ vào tháng 9/2012, chiếm 52,8% tổng dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Trong 10 năm qua, dư nợ cho vay các hộ gia đình tại Đài Loan chiếm khoảng 120% GDP, cao hơn tỉ lệ 94,61% tại Nhật Bản, tỉ lệ 95,97% tại Singapore và 71,98% tại Hàn Quốc. Điều này cho thấy, tỉ lệ tiết kiệm tại Đài Loan khá cao.