Đăk Nông: Hai tháng đôn đốc thu gần 10 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng

Theo Tạp chí Thuế

Sau hơn hai tháng đi vào hoạt động, các đoàn đôn đốc thu và cưỡng chế nợ thuế tại các huyện, thị xã được thành lập theo Quyết định số 768/QĐ-CT ngày 7/9/2012 của Cục Thuế tỉnh Đăk Nông đã cho thấy tín hiệu khả quan không chỉ thu về cho ngân sách số tiền thuế nợ đọng lớn, mà còn góp phần thiết lập lại trật tự kỷ cương của môi trường quản lý thuế trên địa bàn.

Đăk Nông: Hai tháng đôn đốc thu gần 10 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng
Thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông)
Với chức năng, nhiệm vụ giám sát, đôn đốc tình hình thu nợ đọng thuế, hỗ trợ nghiệp vụ thu và cưỡng chế nợ đọng thuế tại các huyện Đăk Mil, CưJút, KrôngNô và ĐăkGLong, hơn hai tháng qua, các đoàn công tác đã thu được một số kết quả khả quan.

Tại địa bàn huyện Đăk Mil, đoàn đã tiến hành làm việc với 62 tổ chức, cá nhân nợ thuế, qua đó đã tiến hành lập biên bản yêu cầu cơ sở nộp dứt điểm số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản và nợ do bên thứ ba đang nắm giữ. Đoàn đã lập danh sách đề nghị cưỡng chế nợ thuế đối với 22 trường hợp; xác minh thông tin và ban hành thông báo cưỡng chế, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên đối với 18 trường hợp; Thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản từ 03 đến 05 trường hợp và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đối với người có số tiền thuế, tiền phạt còn nợ quá 90 ngày để tiếp tục cưỡng chế theo quy định.

Trên địa bàn huyện Krông Nô, đoàn đã làm việc với 45 tổ chức, cá nhân nợ đọng thuế, theo đó đã phối hợp với Chi cục Thuế huyện tiến hành xác minh thông tin tài khoản, các tài sản thế chấp vay vốn của người nộp thuế tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên cả địa bàn huyện, TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đăk Lăk. Đồng thời, phối hợp với UBND xã Nam Đà xác minh thông tin tài sản đối với 3 trường hợp nợ đọng thuế để có biện pháp xử lý dứt điểm. Với phương thức tương tự, trên địa bàn huyện CưJút, đoàn đã tiến hành làm việc với 21 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, kiên quyết thu hồi các khoản nợ thuế đến hạn vào ngân sách nhà nước.

Sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt mà đoàn đôn đốc thu và cưỡng chế nợ thuế số 02 đã thu nộp vào ngân sách trên 7 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn huyện Đăk Mil thu được 4,5 tỷ đồng; huyện Krông Nô thu được1,7 tỷ đồng và tại huyện CưJút số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước 650 triệu đồng.

Bên cạnh những mặt đạt được trong công tác đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong hơn hai tháng qua, các đoàn công tác cũng gặp không ít khó khăn phát sinh. Do phần lớn tài sản của người nộp thuế hiện nay đang thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng để vay vốn, nên không thể xác định chính xác giá trị thực tài sản của người nợ thuế. 
 
Đối với các trường hợp người nợ thuế bỏ trốn, ngừng hoạt động kinh doanh  phải thực hiện các bước thu hồi mã số thuế, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo Quy trình 490/QĐ-TCT thì trước khi thu hồi phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng 3 lần, mặc dù chi phí đăng tin do người nợ thuế chịu, nhưng trước mắt, cơ quan Thuế vẫn phải ứng để chi trả bằng kinh phí của Ngành nên gây khó khăn cho các Chi cục Thuế huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc, việc cưỡng chế nợ bằng biện pháp trích từ tài khoản tiền gửi ngân hàng của cơ sở kinh doanh để nộp ngân sách, bắt buộc phải qua khâu xác minh. Chỉ chờ có thế, trong thời gian cơ quan chức năng làm các thủ tục ban hành quyết định hành chính thì người nợ thuế đã rút hết tiền từ tài khoản. Thêm vào đó, việc cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế của các ngân hàng, tổ chức tín dụng rất chậm, nên cưỡng chế bằng biện pháp này rất khó thực hiện.
 
Trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản bán đấu giá, theo quy định tại Quyết định 490/QĐ-TCT đoàn cũng đã thực hiện nhưng phần lớn tài sản kê biên đều không bán được do định giá cao, không sát với giá thị trường. Việc cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác (bên thứ 3) đang nắm giữ cũng rất khó khăn, do giá trị tài sản thế chấp thường thấp hơn số tiền thuế nợ, tiền phạt, thời gian thu hồi tiền thuế lại kéo dài.

Mặt khác, tài sản của người nợ thuế chủ yếu đang thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc nằm ở các địa phương khác nên rất khó xác minh, đến khi xác minh xong thì chờ bán được tài sản để trả thuế thì nhiều khoản vay đã quá hạn. Đây là những bất cập mà ngành Thuế cần phải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung kịp thời, nhằm phát huy hiệu quả các biện pháp quản lý, thu hồi nợ đọng thuế.