Đảm bảo vốn tín dụng cho phục hồi kinh tế

Theo Gia Bảo/Báo Cần Thơ

Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt mức khá cao 16,24%. Trong tháng 1/2022, vốn huy động và dư nợ cho vay tăng so với tháng 12/2021. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang quyết liệt triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh.

Hoạt động tại BIDV Cần Thơ. Ảnh: Gia Bảo
Hoạt động tại BIDV Cần Thơ. Ảnh: Gia Bảo

Ðồng thời đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Những tín hiệu tích cực

Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ, cho biết, các TCTD trên địa bàn thành phố rất tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, nhất là vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021, Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 của Thống đốc NHNN... Ðồng thời giám sát việc triển khai các giải pháp hỗ trợ và phương án cơ cấu lại nợ xấu của các TCTD trên địa bàn. Yêu cầu các TCTD đẩy mạnh cho vay mới, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế của thành phố.

Thống kê của NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ, trong tháng đầu năm 2022, các TCTD tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo quy định của pháp luật hiện hành; triển khai các chương trình cho vay mới ưu đãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Ðến cuối tháng 1/2022, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ đạt 2.500 tỷ đồng cho hơn 3.500 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 1/2022 đạt 86.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay mới đạt 22.000 tỷ đồng cho hơn 8.700 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong tháng 1/2022, vốn huy động và dư nợ cho vay tăng so với tháng 12/2021. Cụ thể, nguồn vốn huy động đạt 93.400 tỷ đồng, tăng 0,46% so với tháng 12/2021 và đáp ứng được 77,06% tổng dư nợ cho vay. Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm nay tăng 0,48% so với cuối năm 2021, với tổng dư nợ cho vay hơn 121.200 tỷ đồng. theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ, song song với thúc đẩy dòng vốn tín dụng ra thị trường, Chi nhánh cũng tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, giải pháp xử lý nợ xấu của TCTD và việc thực hiện Ðề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Ðồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn hỗ trợ các TCTD tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Nợ xấu đến cuối tháng 1/2022 được kiềm chế ở mức 1.800 tỷ đồng, chiếm 1,49% tổng dư nợ cho vay, giảm 3,28% so với tháng 12/2021.

Theo ông Trần Quốc Hà, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, Chi nhánh cũng thường xuyên tham dự các cuộc họp, hội nghị do các sở, ngành của thành phố tổ chức nhằm nắm bắt và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 12/2021, các TCTD đã cam kết cho vay mới với số tiền là 1.587 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm 2021 đạt 3.134 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 1.555 tỷ đồng đối với 87 khách hàng doanh nghiệp. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp này sẽ tiếp tục được chi nhánh triển khai có hiệu quả trong năm mới.

Tiếp tục đồng hành cùng khách hàng

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết, năm qua và hiện tại các TCTD trên địa bàn đều tập trung nguồn lực tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, nghiêm túc thực hiện các thông tư chỉ đạo của NHNN nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Trong tháng đầu năm 2022, với phương châm đồng hành cùng khách hàng, các TCTD tiếp tục gỡ khó cho khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng, hầu hết dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2021. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 1/2022 là 34.700 tỷ đồng, chiếm 28,63% tổng dư nợ, tăng 0,75% so với tháng 12/2021.

Dư nợ cho vay xuất khẩu 12.300 tỷ đồng, tăng 1,49%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 29.200 tỷ đồng, tăng 0,94%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ 220 tỷ đồng, tăng 1,85% so với tháng 12/2021. Bên cạnh đó, các TCTD còn đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực khác, ngoài lĩnh vực ưu tiên, nhằm góp phần thúc đẩy chu trình phục hồi các chuỗi sản xuất kinh doanh. Theo NHNN Chi nhánh thành phố, đến cuối tháng 1/2022 dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 0,89% so với tháng 12/2021. Có 34 TCTD tham gia cho vay thu mua lúa, gạo; dư nợ cuối tháng 1/2022 là 12.500 tỷ đồng, tăng 0,9%.

Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đang triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ðến cuối tháng 1/2022 dư nợ cho vay ước đạt 3.150 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 0,45% so với tháng 12/2021. Trong đó, dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo 88 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 180 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 1.032 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 658 tỷ đồng; cho vay Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 635 tỷ đồng...

Theo ông Trần Quốc Hà, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn triển khai tích cực, hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ðồng thời hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Các TCTD phải thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.