Đàm phán Mỹ - Trung, mọi thỏa hiệp sẽ bị giới hạn
Các cuộc đàm phán sắp tới có thể chứng kiến một vài đột phá khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có lý do để thỏa hiệp, nhưng những khác biệt giữa hai bên khó có thể giải quyết.
Lý do để thỏa hiệp
Trung Quốc và Mỹ đang thực hiện các bước để giảm nhiệt chiến tranh thương mại như hoãn thuế hay cam kết mua thêm hàng hóa, làm tăng hy vọng về một bước đột phá tại các cuộc đàm phán dự kiến vào tháng 10 này. Mặc dù có thể có một thỏa thuận tạm thời để giảm bớt một số đòn trừng phạt ăn miếng trả miếng, nhưng một giải pháp hoàn chỉnh khó có thể đạt được vào lúc này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có vẻ lùi lại nhượng bộ khi thị trường chứng khoán (TTCK) không thể chịu được những cú đánh tiếp theo sau diễn biến gần đây. Nếu nó gặp sự cố, đó là do Tổng thống Trump, khi mà sau thông báo tăng thuế thêm 5% của ông vào đầu tháng 8/2019, thị trường sau đó đã lao dốc không phanh khiến không ít người sợ hãi.
Sự phản ứng tiêu cực của TTCK là một dấu hiệu cho thấy bất kỳ bước leo thang nào nữa sẽ chỉ càng làm tình hình tồi tệ thêm. Ông Trump gần đây đã thực hiện các bước đi có tính hòa giải, như hoãn lại một số dòng thuế từ tháng 9 sang tháng 12/2019.
Trong khi đó, sự hòa giải của Trung Quốc còn phục vụ nhiều mục tiêu hơn. Đầu tiên, mối quan tâm hàng đầu của nước này hiện nay là có một lễ kỷ niệm ngày quốc khánh suôn sẻ vào ngày 1/10/2019 tới.
Thứ hai là lạm phát đang gia tăng mạnh. Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng vọt do nhập khẩu sụt giảm, vì vậy việc nối lại nhập khẩu có thể làm giảm áp lực lên chỉ số giá thực phẩm.
Thứ ba, niềm tin tiêu cực vào các thị trường tài sản, một phần vì chiến tranh thương mại, đang gây nguy hiểm cho tham vọng tài chính và công nghệ của chính phủ.
Các chính quyền địa phương đang thất thu tài khóa, ngay cả đối với các thành phố giàu có ở vùng đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng Châu Giang. Vì hầu hết thành phố này phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản, đóng góp đến một nửa doanh thu của chính quyền, nên giá bất động sản sụt giảm lâu dài có thể gây thiệt hại lớn trong cơ cấu tài chính của chính quyền địa phương.
Trong khi TTCK còn khiêm tốn, dù liên quan đến hệ thống ngân hàng hoặc thị trường nợ để gọi vốn nhiều hơn, thì nó vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với các công ty công nghệ. Chính phủ Trung Quốc cũng ưa thích bong bóng công nghệ. Hầu hết ý tưởng sẽ không thành công nhưng một số dự án là có thể, và điều này là tích cực cho tham vọng công nghệ hóa của đất nước này.
Sau sự phục hồi mạnh mẽ vào tháng trước, chứng khoán Trung Quốc đang suy yếu. Nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, ngành công nghệ của nước này sẽ đối mặt thêm muôn vàn khó khăn, trong khi Chính phủ Trung Quốc đang đặt cược vào hàng loạt các dự án, tập đoàn lớn để bắt kịp Mỹ về công nghệ.
Nỗi sợ hãi về những hậu quả không lường trước dường như đang gia tăng ở Trung Quốc. Giá thịt lợn tăng gấp đôi là một trong những điều như thế. Nó gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội. Ngoài ra, những gì đã xảy ra ở Hồng Kông là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng, chúng ta thật sự không bao giờ biết những gì có thể xảy ra và đi đến đâu.
Nỗi lo âu về những điều chưa biết này có khả năng khiến Trung Quốc phải thỏa hiệp trong những tháng tới.
Khó hóa giải quan điểm khác biệt
Khi cả hai bên đều có động lực mạnh mẽ để thỏa hiệp, một sự đột phá “có giới hạn” sẽ đến sớm. Tuy nhiên, cánh cửa cơ hội đã đóng lại và cuộc chiến thương mại nổi lên như một cuộc xung đột tất yếu của các nền kinh tế cạnh tranh nhau.
Đầu tiên, Trung Quốc sẽ không thay đổi cấu trúc để thỏa mãn Mỹ, vốn đã đưa ra yêu cầu cải cách như vậy hồi tháng 5/2019. Bắc Kinh đã và đang tăng vai trò của mình trong việc kiểm soát và giám sát nền kinh tế. Nếu chấp nhận để nền kinh tế chịu sự kiểm soát từ các yếu tố bên ngoài, hệ quả là những thay đổi chính trị đã được thực hiện trong vài năm qua có thể bị đánh bại.
Những gì Trung Quốc có thể làm là mua thêm nông sản hoặc năng lượng của Mỹ, theo sự phê duyệt của Chính phủ và phù hợp với hệ thống chính trị hiện tại. Mỹ luôn nghĩ rằng điều này là không đủ và tin rằng đó sẽ là một sự nhượng bộ nếu họ chấp nhận giải pháp đơn giản như vậy.
Về phía Mỹ, cuộc chiến công nghệ được sử dụng như một vũ khí quan trọng để trừng phạt Trung Quốc. Nhưng mọi thứ đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Thượng viện có thể dễ dàng ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Trump để thỏa hiệp và dỡ bỏ lệnh cấm công nghệ. Việc dỡ bỏ này quan trọng hơn bất kỳ việc giảm thuế nào đối với Trung Quốc.
Nhân dân tệ đã mất giá đến 15% để làm giảm thiểu phần lớn tác động của thuế quan. Một thỏa thuận thương mại không bao gồm công nghệ, không có giá trị đối với Bắc Kinh. Vì Trung Quốc không thể cam kết cải cách cơ cấu kinh tế và Mỹ không thể cam kết nới lỏng cuộc chiến công nghệ, bất kỳ thỏa hiệp nào giữa hai nước cũng sẽ bị giới hạn trong phạm vi nhất định.
Một kết quả có thể xảy ra là Trung Quốc sẽ mua thêm nông sản Mỹ để đổi lấy việc hủy bỏ hoặc hoãn các hàng rào thuế quan đã áp đặt. Tính đến hiện tại, thuế suất đã được tăng từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, 300 tỷ USD hàng hóa khác đang bị áp thuế 10% và mới đây là mức tăng 5% lên tất cả.
Tổng thống Trump đã đồng ý gia hạn việc tăng thuế thêm hai tuần để đổi lại việc Trung Quốc mua hàng nông sản của Mỹ. Công thức đó có thể được lặp đi, lặp lại hoặc tăng thêm cường độ trong giai đoạn tới.
Thỏa hiệp này có thể hỗ trợ phần nào cho tâm lý thị trường và giữ cho các bong bóng tài sản tiếp tục tồn tại. Điều đó có thể đủ tốt cho cả hai bên vào lúc này. Nhưng nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11/2020, vị tổng thống này mới thật sự ra tay trong cuộc chiến, khi mà thời gian qua cho thấy khi ông Trump đã đe dọa làm như vậy, điều đó rồi sẽ xảy ra.
Điều này đặt ra câu hỏi, liệu Bắc Kinh có khôn ngoan nếu giúp Trump có cơ hội tái cử không. Nếu Trung Quốc mua đủ các mặt hàng nông sản, Trump có thể giành chiến thắng tại các bang Trung Tây nước Mỹ, do đó đảm bảo khả năng tái đắc cử. Nhưng có lẽ Bắc Kinh còn quá nhiều điều phải lo lắng khi nghĩ về tương lai phía trước ngoài Trump.