Dẫn dắt VN-Index tăng gần 18 điểm, cổ phiếu Ngân hàng khẳng định “ngôi vương”

Minh Lâm

Một màu xanh bao phủ toàn bộ nhóm cổ phiếu Ngân hàng, đóng góp hơn chục điểm cho chỉ số chung trong phiên 20/3, giúp thị trường nhanh chóng lấy lại sức để tìm về ngưỡng 1.260 điểm.

Dư âm điều chỉnh của 4 phiên trước đó còn “vương” sang tận sáng nay (20/3) khiến thị trường mở cửa trong trạng thái lình xình. Trong khoảng một tiếng đầu phiên, VN-Index trồi sụt quanh mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng.

Từ giữa phiên, thị trường nhanh chóng lấy lại động lực, chủ yếu từ sức bật mạnh của nhóm Ngân hàng, đẩy chỉ số chung tăng hơn 15 điểm so với mức thấp nhất trong phiên. Đà tăng điểm tốt ở phiên chiều được duy trì khi sự hồi phục lan tỏa ra các nhóm ngành khác cùng lực cầu gia tăng.

Cổ phiếu Ngân hàng hút tiền trở lại, VN-Index phục hồi tích cực.
Cổ phiếu Ngân hàng hút tiền trở lại, VN-Index phục hồi tích cực.

Chốt phiên, VN-Index tăng 17,62 điểm (+1,42%), lên 1.260,08 điểm với 339 mã tăng, trong khi chỉ có 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 915,6 triệu đơn vị, giá trị 22.992,4 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 6% về giá trị so với phiên hôm qua, cho thấy dòng tiền hướng nhiều tới nhóm bluechip, ở đây là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,8 triệu đơn vị, giá trị 1.793,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu Ngân hàng (+2,39%) sau những phiên chịu điều chỉnh rung lắc mạnh, hôm nay đã có diễn biến hồi phục tốt nhờ sự xuất hiện của dòng tiền bắt đáy. Ngoại trừ EIB (-0,54%) đóng cửa với sắc đỏ nhạt, tất cả các mã cổ phiếu Ngân hàng khác đều xanh biếc. Trong đó, VIB còn tăng tìm ngắt trong phiên (+6,79%), TCB (+4,96%), CTG (+3,15%) và MBB (+4,09%) ghi nhận mức tăng tốt hơn 3%. Riêng BID (+2,71%), TCB, CTG, MBB, VPB (+2,75%), VCB (+0,76%) đóng góp cho chỉ số chung tới 9,2 điểm.

Nguyên nhân tăng trần của VIB có thể đến từ việc công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2023. Ngân hàng dự kiến tỷ lệ chia cổ tức cho năm 2023 sẽ là 29,5% gồm 17% bằng cổ phiếu và 12,5% bằng tiền mặt.

Nhóm Chứng khoán (+2,48%) thậm chí toàn một màu xanh với mã tăng ít nhất cũng là 1%, điển hình có VCI (+4,93%), VIX (+3,63%), SSI (+2,9%)… Trong đó, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm ngành và thứ 3 thị trường với 28,83 triệu đơn vị cổ phiếu.

Dòng tiền cũng có sự luân chuyển sang các cổ phiếu thuộc nhóm Nhóm Bán lẻ (+3,5%), trong đó, tăng vốn hóa mạnh nhất có MWG (+5,49%), tiếp sau là PNJ (+1,8%), DGW (+2,5%), FRT (+0,2%)…

Nhóm Nông nghiệp cũng tăng mạnh với HAG tăng trần về giá 12.650 đồng/CP, HNG và SSC cùng tăng hơn 5%.

Nhóm bất động sản giảm vốn hóa chủ yếu do áp lực từ bộ ba cổ phiếu Vingroup, trong khi đa số các mã khác trong nhóm đều tăng giá. TCH tăng mạnh 5,6%; DIG, NLG, KBC, VPI, DXG tăng 1-2%; BCM, NVL, PDR tăng nhẹ…

Khối ngoại đi ngược với dòng tiền trong nước khi bán ròng mạnh với tổng giá trị ròng đạt 427.29 tỷ đồng, tập trung “xả” chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-284 tỷ đồng), VIC (-175 tỷ đồng), VNM (-83 tỷ đồng), MSN (-82 tỷ đồng), BID (-50 tỷ đồng), VHM (-44 tỷ đồng)…

Chiều ngược lại, DGC được mua ròng mạnh nhất 102 tỷ đồng, kế đến là STB (+101 tỷ đồng), MWG (+60 tỷ đồng), HAG (+42 tỷ đồng), GEX (+41 tỷ đồng), TCH (+37 tỷ đồng), VCI (+35 tỷ đồng), KBC (+30 tỷ đồng), HDC (+29 tỷ đồng)…