VN-Index tuần 18-22/3: Tăng trong thận trọng
Mặc dù xu hướng tăng điểm vẫn đang được bảo lưu và cơ hội hồi phục vẫn đang được để ngỏ, sự suy yếu của lực cầu và thiếu đi nhóm dẫn dắt sẽ khiến cho xác suất vượt đỉnh của VN-Index thấp hơn và áp lực đảo chiều vẫn hiện hữu.
"Đi ngang" ở vùng đỉnh cao nhất
Trong tuần qua (11-15/03/2024), VN-Index tiếp tục đi ngang ở vùng đỉnh cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Xét chung cả tuần, VN-Index tổng cộng tăng 16,43 điểm, tương đương tăng 1,32%, HNX-Index tăng 3,22 điểm (+1,36%).
Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại không bằng phẳng, khi ghi nhận tuần giao dịch rung lắc với biên độ tới hơn 40 điểm do sự điều chỉnh và hồi phục từ các nhóm ngành vốn hoá lớn như Ngân hàng, Chứng khoán, Bán lẻ, Bất động sản giảm trên 1,7%.
Dòng tiền dù vậy tích cực dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa hỗ trợ chỉ số tăng điểm và duy trì vận động luân chuyển của dòng tiền. Ngành hóa chất, hàng cá nhân và công nghệ thông tin tăng trên 5%.
Tuần qua cũng là thời điểm chốt danh mục quý I/2024 của 2 quỹ ETF FTSE và VNM, tương tự đợt review quý IV/2023. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 2.376 tỷ đồng trên cả hai sàn, trong đó bán ròng hơn 2.288 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 88 tỷ đồng trên sàn HNX. Trong khi đó, khối tự doanh chuyển từ trạng thái bán ròng sang mua ròng hơn 510 tỷ đồng.
Thanh khoản trên HOSE đạt 126.155,54 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,6% so với tuần trước, duy trì vượt mức trung bình với khối lượng giao dịch trung bình của VN-Index hơn 900 triệu cổ phiếu/phiên. Diễn biến cho thấy dòng tiền vẫn đang duy trì tốt trong thị trường, luân chuyển xoay vòng trong các nhóm ngành, mặc dù áp lực bán ngắn hạn vẫn gia tăng mạnh ở nhiều mã/nhóm mã.
Sẽ tiệm cận ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm
VN-Index đang tích lũy ở đỉnh cũ trong khoảng 1.260 – 1.280 điểm. Diễn biến chỉ số có phần gây nhiễu trong tuần cơ cấu ETF khi các cổ phiếu lớn suy yếu trước áp lực bán mạnh của khối ngoại.
Tuy nhiên, chỉ số đang có nguy cơ hình thành mô hình 2 đỉnh với đường viền cổ tại 1.234 điểm và giá mục tiêu tại 1.210 điểm nếu như các cổ phiếu dẫn dắt tiếp tục suy yếu. Trường hợp các cổ phiếu dẫn dắt tăng trở lại, VN-Index sẽ vẫn được hỗ trợ bởi SMA20 để vượt qua 1.300 điểm. Đây là 2 kịch bản cần tiếp tục theo dõi trong tuần mới (18/3-22/3).
Vì vậy, để có thể tiến lên quanh vùng 1.300 điểm, VN-Index cần phải vượt qua được kháng cự 1.280 điểm. Hỗ trợ của chỉ số gần nhất là mốc quanh 1.260 điểm và sâu hơn là vùng 1.200 - 1.220 điểm.
Theo đó, nhà đầu tư không nên mua đuổi trong các phiên tăng mạnh. Nên ưu tiên hiện thực hoá lợi nhuận khi chỉ số tiệm cận mốc 1.300 điểm. Nếu vẫn muốn giải ngân, nhà đầu tư nên lựa chọn các cổ phiếu có nền giá hoặc vùng tích luỹ tương đối an toàn.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), trong tuần này, VN-Index sẽ sớm tiệm cận ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm, tuy nhiên kịch bản điều chỉnh vẫn luôn hiện hữu. Do đó, SHS không khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tham gia tích cực ở giai đoạn hiện tại dù VN-Index có nhịp hồi.
Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trong nửa trên của kênh tích lũy và bắt đầu rung lắc khi gặp cản mạnh 1.250 điểm, SHS không khuyến nghị giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường bước vào nhịp giảm ngắn hạn.
Nhận định cho những phiên giao dịch tới, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường có biên dao động khá rộng nhưng nhìn chung vẫn duy trì thanh khoản ở mức cao. Có khả năng thị trường sẽ có thêm thời gian để thăm dò cung cầu trong thời gian tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Trạng thái phân hóa có thể sẽ diễn biến mạnh trong giai đoạn giằng co này.
Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ, tuy nhiên nên cân nhắc chốt lời các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng kháng cự hoặc đang có diễn biến thận trọng tại vùng kháng cự.