Dân Trung Quốc đẩy mạnh “chuyển tiền” ra nước ngoài

Theo thoibaonganhang.vn/Bloomberg

Việc tăng trưởng tiêu dùng tại nước ngoài của du khách Trung Quốc là hệ quả từ việc người dân quốc gia này du lịch quốc tế nhiều hơn. Tuy nhiên, đâu là lý do chính của làn sóng này? Rất có thể đó là do cư dân Đại lục muốn nhanh chóng chuyển tiền ra nước ngoài.

Thâm hụt du lịch quốc gia của Trung Quốc trong 12 tháng vừa qua đã lên tức 206 tỷ USD.
Thâm hụt du lịch quốc gia của Trung Quốc trong 12 tháng vừa qua đã lên tức 206 tỷ USD.

Thâm hụt du lịch quốc gia, được tính bằng cách lấy chi tiêu của du khách nước ngoài tại Trung Quốc trừ đi số tiền người dân Trung Quốc chi tiêu tại nước ngoài, đã tăng lên mức 206 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc vào 30/6, tăng mạnh so với mức 77 tỷ USD năm 2013, năm cuối cùng đồng nhân dân tệ được tự do giao dịch ra nước ngoài.

Con số này cũng phù hợp với tăng trưởng du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc, khi lượt khách xuất ngoại đi du lịch đạt mức 120 triệu người năm ngoái, so với mức 98 triệu người năm 2013.

Du khách Trung Quốc không chỉ có thói quen mua các sản phẩm như mỹ phẩm, đồ điện tử trong kỳ nghỉ, các số liệu thống kê cho thấy, họ có thú vui mua sắm nhà tại nước ngoài, hoặc tham gia vào các sản phẩm bảo hiểm trọn đời tại Hong Kong, hay mở tài khoản tín dụng tại nước ngoài để có thể chuyển tiền ra khỏi Đại lục, Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, người theo dõi số liệu về các du khách Trung Quốc cho biết.. Đây là tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Hiện tại, thế giới cần người dân Trung Quốc có nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, hơn là nhu cầu với tín dụng ngân hàng hay trái phiếu. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã tác động tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu”, Setser cho biết.

Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng dòng tiền chảy ra nước ngoài kể từ giữa năm 2014, khi giới đầu tư nhận ra đồng nhân dân tệ đã không còn được chính phủ o bế như thời gian trước.

Dòng tiền chảy ra bên ngoài đạt đỉnh vào cuối năm 2015, với việc các công ty viết nhiều hóa đơn để đẩy tiền ra bên ngoài, hoặc mua tài sản nước ngoài. Điều này thúc đẩy giới chức Trung Quốc hỗ trợ cho đồng nội tệ, đồng thời buộc phải dùng các biện pháp giới hạn mà người dân Trung Quốc được mang theo ra nước ngoài.