Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ giai đoạn 1961 - 1965

Hải Phan

Trong thời kỳ 1961-1965, Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời xây dựng chính sách tài chính tập trung nguồn lực giúp miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Khi chiến tranh nổ ra và leo thang, nhiệm vụ của Bộ Tài chính đã có những thay đổi phù hợp với yêu cầu cách mạng của hai miền…

Hệ thống công thương nghiệp quốc doanh đã khẳng định vai tròquan trọng trong ổn định đời sống Nhân dân.
Hệ thống công thương nghiệp quốc doanh đã khẳng định vai tròquan trọng trong ổn định đời sống Nhân dân.

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện  nhiệm vụ chính trị

Nhằm đưa các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) vào đời sống trọng tâm là Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Đảng bộ Bộ Tài chính đã phối hợp tích cực với các cấp chính quyền, kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với nhiệm vụ của giai đoạn mới.

Chế độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) được cải tiến, thí điểm chế độ thu mới đối với kinh tế quốc doanh; bổ sung, sửa đổi thuế đối với kinh tế tập thể và cá thể. Tăng cường quản lý chi tiêu, thực hành tiết kiệm, củng cố thêm một bước chế độ hạch toán kinh tế. Tăng cường quản lý  NSNN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc. 

Cùng với việc xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội; thành lập Công ty Bảo hiểm Việt Nam là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tài chính; thành lập Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Trung ương (1963), đến năm 1964 đã nâng lên thành Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán - Ngân hàng Trung ương.

Trong giai đoạn này, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt nhiệm vụ cân đối thu - chi NSNN phục vụ kiến thiết, đầu tư và quốc phòng. Cụ thể, NSNN trong những năm 19611965 đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ động viên tài chính trong thu nhập quốc dân thời kỳ này là 28%-30%, cao hơn thời kỳ 1958-1960 từ 2%-3%. Hệ thống tài chính đã phát huy hiệu quả sự giúp đỡ của các nước anh em khối XHCN, tập trung phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa XHCN ở miền Bắc.

Vốn tích lũy đã phần lớn dựa vào nguồn tích lũy từ nội địa nền kinh tế quốc dân, phần thu trong nước chiếm tỷ trọng 70%-80% trong tổng số thu của NSNN. Số thu từ kinh tế quốc doanh trong các năm 1961-1964 bằng 2,2 lần số thu trong thời kỳ 1958-1960. Trừ năm 1965 là năm có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trong những năm 1961-1964, NSNN đều đạt cân đối tích cực, mỗi năm số thu và chi ngân sách đều tăng từ 5%10%, năm nào cũng bội thu và có kết dư. Hàng năm, có tới 50% số chi NSNN được giành cho xây dựng cơ bản, trong đó, có một nửa là cho xây dựng phát triển công nghiệp và khoảng một phần năm dùng để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp.

Chú trọng xây dựng Đảng và giáo dục chính trị tư tưởng

Tháng 12/1961, toàn Đảng bộ Bộ Tài chính có 2 ban cán sự (liên chi) và 15 chi bộ trực thuộc với 470 đảng viên, trong tổng số gần 700 cán bộ, công chức, viên chức. Năm 1964, toàn Đảng bộ có 01 ban cán sự (liên chi) và 32 chi bộ trực thuộc với 853 đảng viên. Trong giai đoạn1960-1965, toàn Đảng bộ kết nạp được 25  đảng viên mới. Công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt trong giai đoạn này đã được quan tâm đúng mức, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên đã được đề cao và thực hiện rõ hơn, cụ thể:

- Năm 1960-1961: Đảng ủy cơ quan Bộ đã chú trọng tăng cường khả năng lãnh đạo của các chi ủy, không những đảm bảo chất lượng chính trị và chú trọng cả về chuyên môn; xác định vai trò của các đồng chí phụ trách chính quyền không những làm tròn trách nhiệm của người đảng viên mà còn có trách nhiệm phối hợp lãnh đạo, tạo điều kiện cho chi bộ nắm được tình hình công tác chuyên môn, chú ý đúng mức vai trò tổ trưởng Đảng ở các phòng, làm cho chi ủy có điều kiện bao quát chung công tác Đảng và công tác chuyên môn. Về phương pháp lãnh đạo trong các cấp ủy giữ được nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng được đề cao nên đã có tác dụng đến lãnh đạo chỉ đạo chung.

- Năm 1962-1963: Đảng ủy Bộ đã chuyển hướng kịp thời và sắp xếp, bố trí các chi bộ, tổ Đảng phù hợp với tổ chức chính quyền để bảo đảm sự lãnh đạo của chi ủy. Các chi bộ đã xác định được trách nhiệm của mình là phải lãnh đạo đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn và mọi sinh hoạt của đơn vị, sự phối hợp giữa chính quyền và tổ chức Đảng tốt hơn, chặt chẽ hơn. Thông qua lãnh đạo thực hiện công tác chuyên môn mà nâng cao tính giai cấp, tính tiên phong chiến đấu cho đảng viên, nội dung sinh hoạt chi bộ thiết thực, nhẹ nhàng hơn trước.

- Những năm 1963-1964: Toàn Đảng bộ đã triển khai thực hiện công tác xây dựng chi bộ 4 tốt, bước đầu xác định rõ hơn nhiệm vụ và nội dung công tác của chi bộ ở cơ quan và có kế hoạch cụ thể để phấn đấu xây dựng chi bộ vững mạnh. Các ban chi ủy được tăng cường, bổ sung, vững mạnh hơn trước. Đảng bộ đã tổ chức nghiên cứu học tập 10 nhiệm vụ của người đảng viên, nhờ đó bước đầu đã nâng cao được nhận thức về tính giai cấp, tính tiên phong, tính chiến đấu cho đảng viên, mỗi đảng viên đều có đăng ký quyết tâm tu dưỡng phấn đấu nên đều có tiến bộ hơn trước.

- Năm 1965: Trước tình hình cả nước có chiến tranh, việc cải tiến nội dung sinh hoạt chi bộ, công tác quản lý đảng viên ở các chi bộ có nhiều tiến bộ, đã xây dựng, duy trì được nề nếp phê bình, tự phê bình, tăng cường đoàn kết, nêu cao tinh thần lao động tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam thân yêu và sự nghiệp thống nhất đất nước. Để thực hiện chủ trưởng sơ tán và đảm bảo sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong mọi tình huống, Đảng ủy Bộ đã có nghị quyết về công tác tổ chức, trong đó nhiều chi bộ được tách ra làm hai, một ở Hà Nội và một ở nơi sơ tán.

Lãnh đạo các tổ chức quần chúng

Đặc thù của giai đoạn 1961-1965 là chuyển từ hòa bình sang chiến tranh nên vai trò lãnh đạo các tổ chức quần chúng yên tâm và nỗ lực công tác, lập thành tích vì miền Nam ruột thịt, tin tưởng vào con đường xây dựng CNXH và sự nghiệp thống nhất đất nước là rất quan trọng.

Với tổ chức Công đoàn Bộ, Đảng ủy đã lãnh đạo nâng cao một bước nhận thức ý nghĩa chính trị của tổ chức công đoàn là hậu thuẫn của nhà nước dân chủ nhân dân, thấy rõ hơn nhiệm vụ của công đoàn trong việc tham gia quản lý cơ quan, giáo dục tổ chức vận động hướng dẫn thi đua, chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên chức.

Phong trào thanh niên và nữ công giai đoạn 19611965 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Đoàn Thanh niên lao động đã không ngừng cố gắng, đem sức trẻ góp phần giúp các đơn vị trong Ngành thực hiện tốt công tác chuyên môn. Công tác văn thể, văn hóa quần chúng và một số hoạt động khác trong cơ quan được phát triển, đẩy mạnh.

Trong phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, Đảng bộ đã tăng cường giáo dục ý thức tự giác thi đua, ý thức thi đua tập thể, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu CNXH, động viên anh chị em ra sức nỗ lực, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mỗi công chức, viên chức. Đi đôi với việc giáo dục chính trị tư tưởng, các tổ chức Đảng trực thuộc đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có kết quả các cuộc vận động xây dựng: Chi đoàn 4 tốt, Công đoàn 4 tốt, phụ nữ 5 tốt và xây dựng gia đình 5 tốt.

Khi chiến tranh xảy ra, Đảng bộ Bộ Tài chính đã giáo dục và lãnh đạo chặt chẽ thực hiện phong trào thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”, nhằm động viên cán bộ, công nhân viên chức đem hết khả năng phục vụ cho công tác chuyên môn, góp phần chống Mỹ cứu nước. Trong giai đoạn này, Đảng ủy Bộ cũng luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng bán vũ trang, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ cơ quan đơn vị cũng như sẵn sàng chi viện cho tài chính miền Nam.