Đánh giá thực tế để sửa đổi cách thức vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu chặt chẽ, hiệu quả hơn

Gia Hân

Trả lời phóng viên liên quan đến quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 5/10/2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang tham gia, phối hợp với Bộ Công Thương trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xăng dầu, trong đó có nội dung về quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

Bộ Tài chính thường xuyên thực hiện  kiểm tra giám sát việc trích chi, cũng như có báo cáo tổng hợp, nắm bắt thông tin công khai về Quỹ.
Bộ Tài chính thường xuyên thực hiện kiểm tra giám sát việc trích chi, cũng như có báo cáo tổng hợp, nắm bắt thông tin công khai về Quỹ.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xem xét các quy định hiện hành, các diễn biến trên thực tế để đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoặc giải quyết trong thẩm quyền những vấn đề còn tồn tại.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xăng dầu, trong đó có nội dung về quản lý quỹ. Bộ Tài chính cũng tham gia vào quá trình sửa đổi pháp luật trên.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, qua đánh giá thực tế sẽ xem xét vấn đề nào còn bất cập để sửa đổi trong các quyết định sắp tới, qua đó giúp việc điều hành giá, Quỹ bình ổn giá được chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch hơn. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, việc trích lập, hình thành và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã triển khai một cách đầy đủ, từ khung khổ pháp lý đến công tác quản lý, giám sát.

Liên quan đến vấn đề giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá, Thứ trưởng nhấn mạnh, tại Luật Giá (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thì vẫn có quy định về Quỹ bình ổn giá. Trước khi thông qua, Bộ Tài chính đã tổng hợp nhiều ý kiến và có báo cáo đầy đủ, khách quan đối với việc duy trì Quỹ hay không. Cùng với đó, Quỹ bình ổn giá là một biện pháp bình ổn giá, nên việc sử dụng quỹ như thế nào là một quá trình triển khai trên thực tế theo từng giai đoạn, từng mặt hàng. Đây cũng là khung pháp lý mà Quốc hội đã thông qua và thấy rằng là cần thiết về bình ổn giá.

Ngoài ra, nêu thêm các biện pháp bình ổn giá, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, cùng với Quỹ bình ổn giá, một giải pháp quan trọng là dự trữ nhà nước. Hiện nay, Bộ Công Thương đã thực hiện dự trữ mặt hàng chiến lược xăng dầu. Nhưng trong đề xuất xây dựng Chiến lược ngành Dự trữ Nhà nước thì Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để nâng cao vai trò của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong dự trữ xăng dầu để có thể đáp ứng nhu cầu trong tình uống cấp bách.

Quang cảnh buổi họp báo của Bộ Tài chính.
Quang cảnh buổi họp báo của Bộ Tài chính.

Thông tin thêm về nội dung này tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, theo các quy định tại Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá, đồng thời hạch toán và theo dõi riêng Quỹ tại ngân hàng.

Theo đó, thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm trước pháp luật về lựa chọn ngân hàng quản lý và bảo toàn số dư Quỹ theo đúng quy định. Hơn nữa, các doanh nghiệp đầu mối cũng phải thực hiện quy định về báo cáo số tài khoản về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, đồng thời hàng tháng có báo cáo về kết chuyển số dư Quỹ.

Theo ông Phạm Văn Bình, đây là quỹ đặc thù và trong giai đoạn vừa qua đã thực hiện các hoạt động cụ thể liên quan. Bộ Tài chính đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trích chi, cũng như có báo cáo tổng hợp, nắm bắt thông tin công khai về Quỹ. 

“Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để có giải pháp, cách thức vận hành Quỹ phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

 

Liên quan đến vấn đề thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ được các phóng viên nêu tại họp báo, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, Cục đã cử cán bộ giám sát cùng các doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra. Đến nay, các doanh nghiệp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thanh tra, chất lượng phục vụ khách hàng nâng lên, hạn chế tối đa các sai sót. Theo kế hoạch năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được Bộ Tài chính tiến hành đối với 10 doanh nghiệp. Đến nay, đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra 4 doanh nghiệp, còn lại 6 doanh nghiệp sẽ thực hiện từ nay đến hết năm.