Đánh giá về nợ công của Việt Nam: "Các chỉ số vẫn ở ngưỡng an toàn"
(Tài chính) Đây là nhận định của ông Nguyễn Thành Đô - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính khi trao đổi với phóng viên về quản lý an toàn nợ công.
Ông Nguyễn Thành Đô: Việc đánh giá tình trạng nợ công theo tôi không nên chỉ nhìn vào con số dư nợ hay tốc độ tăng.
Chúng ta có một hệ thống các chỉ tiêu giám sát mức độ an toàn về nợ. Chẳng hạn cho đến hết năm 2023, đối với các chỉ tiêu đánh giá về quy mô nợ, ngoài chỉ số nợ công/GDP nêu trên, còn có chỉ số nợ chính phủ/GDP là 41.5%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP là 37,2%,.
Các chỉ số đánh giá khả năng trả nợ có chỉ số nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 22,3% ( nếu loại bỏ nghĩa vụ trả nợ gốc của các khoản đảo nợ thì tỷ lệ này sẽ con thấp hơn), nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung và dài hạn so với tổng kim nghạch xuất khẩu là 4.2%, dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài ngắn hạn là 345% và một số chỉ số chi tiết khác.
Điều đáng nói ở đây là tất cả các chỉ số đánh giá về tình trạng nợ công của VIệt Nam hiện vẫn ở dưới ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và WB.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguy cơ lớn nhất không nằm ở con số, mà ở quan điểm sai về nợ công. Hiện nay nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ đọng xây dựng cơ bản. Và thực tế, nếu tính đủ, nợ công Việt Nam phải lên tới gần 100% GDP. Như vậy, phải chăng với cách tính như chúng ta hiện nay, sẽ không đánh giá đúng nguy cơ thực tế nợ?
Đúng là hiện nay đang có nhiều ý kiến về cách tính nợ công ở Việt Nam. Có người cho rằng cần tính mọi khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Ý kiến này thì còn có cơ sở để tranh luận.
Nhưng với ý kiến cho rằng nợ công của Việt Nam tính không đúng vì không bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ đọng xây dựng cơ bản là chưa chính xác.
Vì thứ nhất theo Luật Quản lý nợ công mọi khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh đã được tính đủ vào nợ công, thứ hai là nợ chỉ phát sinh sau khi khoản vay đã hình thành. Tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn của NSNN chủ yếu do 2 nguyên nhân:
Một là, do các chủ dự án không hoàn tất các thủ tục thanh toán khối lượng đã hoàn thành đúng thời hạn.
Hai là, do các chủ dự án hoàn thành vượt mức khối lượng so với kế hoạch vốn được phân bổ.
Trong trường hợp này không phát sinh khoản vay nào cả và ngân sách nhà nước sẽ cân đối nguồn thu để trả dần trong những năm tiếp theo, nếu thuộc ngân sách địa phương thì địa phương chịu, nếu thuộc ngân sách trung ương thì trung ương chịu.
Nếu ngân sách không cân đối đủ nguồn thu để thanh toán và phải đi vay hoặc phát hành trái phiếu để thanh toán khoản nợ đọng thì khi đó mới phát sinh nợ. Lúc đó mới tính vào nợ công.
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, 3 năm nữa, gánh nặng trả nợ sẽ tăng rất nhanh chóng ngay cả khi quy mô dư nợ công chưa chạm ngưỡng mất an toàn. Bộ Tài chính sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Nhìn con số tuyệt đối thì đúng là nợ công tăng rất nhanh. Song, tỷ lệ nợ trên GDP thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 56,3% (2010); 54;9% (2011); 55,7% (2012) và 53,4% (ước tính 2013).
Về lý do nợ công tăng nhanh trong những năm vừa qua, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp thì việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là mục tiêu then chốt, là một trong ba đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu nguồn lực cần có cho đầu tư phát triển hạ tầng trong thời gian qua và cho cả giai đoạn 10 năm tới là rất lớn.
Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn hết sức hạn chế.
Để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, Chính phủ đã chủ trương đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, trong đó có nguồn vốn vay nợ đóng vai trò quan trọng, đóng góp vào việc thúc đẩy sự gia tăng nợ công trong thời gian qua và các năm tiếp theo.
Nguồn vay nợ công hiện tại tập trung chủ yếu vào nguồn vay ODA của Chính phủ, phát hành trái phiếu chính phủ để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong những năm tới Chính phủ sẽ tiếp tục chủ động bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đúng hạn đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo uy tín và các cam kết của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
Thu ngân sách Nhà nước ngày càng khó khăn, điều này có ảnh hưởng nhiều tới khả năng trả nợ của Chính phủ, thưa ông?
Thu ngân sách là một trong những nguồn để trả nợ, nếu thu khó khăn thì tất sẽ có ảnh hưởng. Thu không đủ chi thì phải tiếp tục đi vay.
Đơn cử trong năm 2014 nhu cầu huy động vốn vay là rất lớn (mặc dù tỉ lệ huy động nợ công trên GDP thì vẫn nằm trong ngưỡng cho phép).
Nhưng cái lo nhất là làm sao để huy động được đủ theo kế hoạch. Trong quý I/2014, chúng ta phát hành thành công 83.000 tỷ đồng trái phiếu.
Tuy nhiên Bộ Tài chính cũng lo ngại là trong thời gian tới, việc phát hành trái phiếu sẽ không thuận lợi khi tín dụng tăng lên, khi các ngân hàng quay sang cho doanh nghiệp vay chứ không tập trung vốn mua trái phiếu như đầu năm nữa.
Do nguồn thu không đủ nên NSNN phải vay mới để trả nợ cũ (đảo nợ).
Hiện tại cơ cấu nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ dài hạn còn rất mỏng, thị trường vốn trong nước chưa phát triển, nên trái phiếu Chính phủ trong nước chỉ có thể phát hành nhiều nhất ở các kỳ hạn từ 1-3 năm.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài hơn để giảm áp lực lên nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu đến hạn trong giai đoạn trung hạn còn khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ cần phải thực hiện nghiệp vụ phát hành mới để đảo một phần nợ gốc trái phiếu đến hạn. Đây là một trong các nghiệp vụ quản lý nợ thường xuyên được áp dụng tại tất cả các nước.
Nghiệp vụ quản lý nợ này đã bước đầu được triển khai tại Việt Nam nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nghĩa vụ trả nợ Chính phủ, kéo dài kỳ hạn trả nợ gốc, đảm bảo không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu Chính phủ, duy trì tính thanh khoản, ổn định thị trường vốn trong nước và duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Xin cảm ơn ông!