Đạt đồng thuận thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong APEC
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 khép lại vào ngày 11/11, đánh dấu sự thành công của loạt sự kiện đỉnh cao Năm APEC Việt Nam 2017. Các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên tiếp tục bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” do nền kinh tế chủ nhà Việt Nam đề xuất. Vấn đề đặt ra là cần tìm động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực trong tương lai. Câu trả lời đã đến từ chính các hoạt động chính thức và bên lề của APEC 2017.
Tín hiệu tích cực thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư
Trong một năm qua, APEC đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Phục hồi kinh tế ngày càng vững chắc, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn mức trung bình trước khủng hoảng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra kỳ vọng mới về tăng năng suất lao động, đi cùng với đó là lo ngại về tác động chuyển đổi. Xu thế hợp tác và liên kết quốc tế tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, bất bình đẳng, thảm họa thiên tai và an ninh mạng đang đặt ra những thách thức gay gắt hơn.
APEC không chỉ chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới mà còn là một phần của những thay đổi đó. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát đói nghèo. Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai.
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam khi nền kinh tế chủ nhà có thể gợi mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung, làm sao để thuyết phục được rằng các quốc gia, vùng lãnh thổ và mọi cá nhân đều có thể cùng thắng trong hội nhập, trong toàn cầu hóa.
Một trong những chủ đề mà nhiều doanh nhân và người dân trong khu vực quan tâm lúc này chính là câu chuyện tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những cơ chế hợp tác phát triển chất lượng cao trong khu vực, sau khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố rút khỏi Hiệp định này. Trong những ngày qua, dưới sự dẫn dắt của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam, đã xuất hiện những tín hiệu tích cực hứa hẹn TPP sẽ được “làm mới lại”, với những triển vọng sáng sủa ngay tại Đà Nẵng.
Theo Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017, Việt Nam bỏ ngỏ về việc Mỹ sẽ quay lại TPP. Ông nói: “Việc Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm thăm cấp nhà nước Việt Nam và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là bằng chứng về mối quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Chuyến thăm này là để hai bên tìm ra cơ hội hợp tác phù hợp với xu thế chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Tự do hóa thương mại là một vấn đề cốt lõi trong hợp tác của APEC. Đây là khu vực có sự đa dạng về văn hóa, kinh tế… mà bằng chứng là kể từ khi được hình thành, APEC đã cho thấy sự hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên ngày càng tốt hơn. Chính nhờ quá trình hợp tác này mà mức thuế quan nhiều loại hàng hóa giữa các nền kinh tế đã dần về 0%, qua đó, trao đổi thương mại giữa các thành viên cũng tăng lên. Những hợp tác này cũng giúp các nền kinh tế gia tăng GDP qua các năm, giúp giảm nhanh số người nghèo đói… Đây chính là động lực của APEC”.
Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, APEC cần tiếp tục các nỗ lực duy trì thương mại mở và tự do và thuận lợi hóa đầu tư; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Báo cáo của APEC về triển vọng kinh tế ngắn hạn chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP của khu vực APEC đạt 3,9% năm 2017, so với mức 3,4% năm 2016, vượt mức bình quân của toàn cầu là 3,6%. Năm 2018, khu vực APEC dự kiến sẽ có mức tăng trưởng GDP tiếp tục vượt mức bình quân toàn cầu.
Thông điệp mạnh mẽ về đất nước Việt Nam
Tham dự các sự kiện chính của Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam đều chuyển thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập mạnh mẽ, con người Việt Nam nghĩa tình, thân thiện và mến khách.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Trải qua hơn 30 năm đổi mới và gần 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do. Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam”.
Chủ tịch nước cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch. Chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao thượng tôn pháp luật. Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương. Việc đăng cai Năm APEC lần thứ hai sau đúng 11 năm là minh chứng sinh động thể hiện quyết tâm đó.
Theo kế hoạch, Hội nghị các Bộ trưởng và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ xem xét một số văn kiện mang tính chiến lược, định hướng cho hợp tác dài hạn của APEC trong những thập niên tới. Nội dung các văn kiện đều gắn với chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017, đồng thời tiếp nối những kết quả của các năm trước.
Phóng viên A.Xe-đen-ni-cô-va đến từ hãng tin Nga Sputnik nói rằng, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên Việt Nam gồm: Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Ðẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, có tính kết nối và có ý nghĩa sâu rộng. Đại diện hãng tin Nga quan tâm Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit), nơi hàng nghìn doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC gặp nhau, hứa hẹn sẽ có nhiều thông tin thú vị. Bên cạnh đó là Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC, một sự kiện rất quan trọng mà tất cả các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều mong chờ sẽ kết thúc thành công tốt đẹp, đánh dấu vai trò của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam.
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, APEC một lần nữa khẳng định năng lực thích nghi, chuyển hóa và dẫn dắt. APEC tiếp tục đóng góp vào việc bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, vì lợi ích của người dân và các doanh nghiệp.