Đất nền "chiếm sóng" thị trường bất động sản vùng ven TP. Hồ Chí Minh trong quý II
Trong quý II, thị trường đất nền các tỉnh vùng ven TP. Hồ Chí Minh ghi nhận những số liệu tích cực dù dịch bệnh diễn biến phức tạp. Toàn thị trường có 22 dự án mở bán với 2.913 nền, bằng 108 % so với cùng kỳ năm, tăng 125% so với quý I, tiêu thụ khoảng 1.826 nền đạt 63%.
Đất nền vẫn sống khỏe
Báo cáo DKRA cho thấy, trong quý II, thị trường đất nền các tỉnh vùng ven TP. Hồ Chí Minh (Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương) ghi nhận có 22 dự án mở bán, trong đó có 7 dự án mở bán mới và 15 dự án thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo. Thị trường có khoảng 2,913 nền, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước (2.699 nền), tăng 125% so với quý I (1.296 nền). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 63% (1.826 nền), bằng 90% so với quý II/2020 (2.038 nền), tăng 59% so với quý I/2021 (1.145 nền).
Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các dự án được đưa ra thị trường chủ yếu vào giai đoạn đầu của quý, thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát mạnh.
Đáng chú ý, thị trường đất nền tại Đồng Nai giữ vị trí dẫn đầu cả về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường. Những dự án pháp lý hoàn chỉnh, hạ tầng hoàn thiện hoặc có tiến độ xây dựng nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Mặt bằng giá thứ cấp trong quý không có nhiều biến động, mức tăng trung bình dao động từ 2 - 5% so với đầu năm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức trung bình và sụt giảm vào cuối quý do dịch bệnh bùng phát mạnh.
Đất nền sổ đỏ vẫn là kênh thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư, đây cũng là kênh trú ẩn an toàn có biên độ tăng giá tốt, kênh sinh lời bền vững trong dài hạn.
12 dự án mở phân khúc nhà phố/biệt thự
Trong khi đó, phân khúc nhà phố/biệt thự khu vực TP. HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 23 dự án mở bán, trong đó có 12 dự án mới và 11 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo. Thị trường ghi nhận 3.562 căn, tăng 78% so với quý trước và tăng 44% so với cùng kỳ năm. Tỷ lệ tiêu thụ khoảng 1.360 căn (38%), tăng hơn 2 lần so với quý I/2021 nhưng giảm 23% so với cùng kỳ năm.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới tăng so với quý trước, tuy nhiên chủ yếu tập trung giai đoạn đầu khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh. Đồng Nai vẫn tiếp tục là khu vực dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường. Riêng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Đối với khu vực giáp ranh, sự quan tâm của khách hàng tập trung vào những dự án quy mô lớn được quy hoạch bài bản và phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín. Mặt bằng giá bán sơ cấp mở bán trong quý tăng do thị trường TP. Hồ Chí Minh nguồn cung hạn chế.
Mặt bằng giá bán thứ cấp không có nhiều biến động so với quý trước, thanh khoản thị trường ở mức trung bình, khi tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối quý sức cầu chung toàn thị trường giảm đáng kể.
Đối với thị trường tại TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận của bộ phận R&D, DKRA Vietnam, trong quý thị trường đón nhận 273 căn mở bán đến từ 11 dự án, trong đó có 8 dự án mới và 3 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo, bằng 79% so với quý trước và bằng 37% so với cùng kỳ năm. Tỷ lệ tiêu thụ 180 căn (66%), bằng 91% so với quý I/2021 và bằng 35% so với cùng kỳ năm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh tái bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh dẫn đến nguồn cung và lượng tiêu thụ trong quý giảm mạnh so với quý trước. Nguồn cung và lượng tiêu thụ không còn tập trung chủ yếu ở khu Đông, mà phân bổ đều vào những khu vực khác như khu Tây và khu Bắc, những khu vực có quỹ đất rộng và mức giá bán còn khá mềm.
Giao dịch thứ cấp không có sự thay đổi so với quý trước, chủ yếu tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà, giao thông kết nối trung tâm thuận lợi có giá bán trên dưới 10 tỷ đồng/căn.
Có thể kể đến một số dự án nổi bật như: các dự án của Khang Điền ở TP. Thủ Đức hay một số dự án của Nam Long (Valora Fuji, Valora Kikyo); M.I.K thì có dự án Villa Park, Park Riverside; Lakeview City của Novaland, Palm City của Keppel Land, Lavila Đông Sài Gòn của Kiến Á...
Nguồn cung sơ cấp tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm do sự siết chặt pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua và quỹ đất sạch phù hợp ngày càng hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư dịch chuyển ra các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… tìm kiếm những cơ hội mới.