Dấu hiệu chuyển giá tại Adidas Việt Nam
Cơ quan chức năng nhận định, các giao dịch giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Adidas Việt Nam và các bên liên quan (gồm Adidas AG, Adidas Singapore, Adidas International Trading B.V) có thể là các giao dịch liên kết, là dấu hiệu của chuyển giá.
Trước đó, theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tại công văn số 7247/CT-TTr1-N4, thì các giao dịch giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Adidas Việt Nam và các bên liên quan gồm Adidas AG, Adidas Singapore, Adidas International Trading B.V có thể là các giao dịch liên kết (dấu hiệu nhận diện đầu tiên và đóng vai trò quyết định trong việc chuyển giá).
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, Adidas Việt Nam hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh là quyền phân phối bán buôn, nhưng danh mục chi phí của doanh nghiệp này lại xuất hiện nhiều chi phí của một doanh nghiệp bán lẻ, như chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ, các khoản chi phí như tiền tiếp thị quốc tế, phí quản lý vùng, tiền hoa hồng mua hàng và đặc biệt, Công ty không phải là nhà sản xuất, nhưng phát sinh khoản tiền bản quyền. Theo các chuyên gia về chuyển giá, đây cũng là một trong các dấu hiệu nhận diện của chuyển giá. Do đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xem các khoản chi phí trên là khoản chi phí không hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, Adidas Việt Nam thanh toán cho Công ty Adidas AG một khoản tiền bản quyền chi phí bằng 6%, chi phí tiếp thị quốc tế bằng 4% doanh thu ròng của sản phẩm và sản phẩm được cấp phép.
Ngoài ra, hợp đồng dịch vụ Đông Nam Á giữa Adidas Singapore và Adidas Việt Nam có nội dung: Adidas Singapore và các công ty con địa phương (Adidas Việt Nam) cung cấp một dịch vụ và thỏa thuận việc thu các khoản phí liên quan. Theo Adidas Việt Nam, đây là khoản quản lý vùng và hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, được trừ vào trong kỳ và có kê khai nộp phí nhà thầu.
Adidas Việt Nam trả chi phí hoa hồng mua hàng cho Addias International Trading B.V, với tỷ lệ 8,25% giá trị mỗi giao dịch. Theo đó, những chi phí này phát sinh từ hợp đồng đại lý mua hàng giữa Adidas Việt Nam và Adidas International Trading B.V. Theo hợp đồng này, Adidas Việt Nam chỉ định Adidas International Trading B.V thay mặt Adidas Việt Nam thực hiện các dịch vụ như tìm nhà sản xuất cho hàng hóa liên quan, tìm nguồn cung ứng mẫu, đặt đơn hàng, kiểm tra vật liệu, thành phần và hàng hóa, giám sát sự tuân thủ…
Bên cạnh đó, Adidas Việt Nam chuyển tiền hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ như cung cấp tủ kệ, đồ nội thất, ngoại thất… cho nhà bán lẻ sử dụng, nhưng không yêu cầu thanh toán. Nếu nhà bán lẻ có bất kỳ hành vi vi phạm nào đến quyền sở hữu của Adidas Việt Nam đối với các thiết bị này thì phải bồi thường. Điều đáng nói ở đây là, Adidas Việt Nam là nhà bán buôn nhưng lại hạch toán chi phí cho bán lẻ trên vào tài sản cố định, trích khấu hao và hạch toán vào chi phí bán hàng được trừ trong kỳ. Theo chuyên gia thanh tra thuế trực tiếp đơn vị này, cách hạch toán như thế là không hợp lý.
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình thanh tra, Cục đã phát hiện những dấu hiệu của giao dịch liên kết. Phía Adidas Việt Nam cũng đã thừa nhận, các doanh nghiệp trong những giao dịch trên có mối quan hệ liên kết, “bởi giữa những người quản lý doanh nghiệp này có mối quan hệ thân thiết”.
Trường hợp này, mối quan hệ liên kết được xác định theo quy định về đội ngũ lãnh đạo: “hai công ty được điều hành bởi một cá nhân có mối quan hệ sau: vợ chồng, bố mẹ và con, anh, chị, em, ông, bà và các cháu, cô, chú…”. Nghĩa là, những người quản lý giữ vai trò chủ đạo trong Adidas Việt Nam, Adidas International Trading B.V, Adidas Singapore…. có mối quan hệ thân tình. Do đó, khi thực hiện các giao dịch, Công ty có thể chuyển khoản lợi nhuận dưới dạng chi phí phải thanh toán, nhằm trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Thông thường, đối với những giao dịch dạng này, doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai và trình báo để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, nhưng Adidas đã không trình báo những thông tin này với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.
“Cục Thuế đang đề nghị Adidas Việt Nam cung cấp những hồ sơ pháp lý cần thiết, như hợp đồng, hóa đơn chứng từ…, thể hiện những chi phí liên quan đến các giao dịch về tiếp thị quốc tế, bản quyền, chi phí quản lý vùng và tiền hoa hồng cho đối tác nước ngoài… để có căn cứ xác định và xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Sơn, Trưởng phòng Thanh tra thuế số 1, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Giao dịch liên kết là một dạng chuyển giá thường gặp ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, các công ty trong cùng hệ thống thường mua bán lòng vòng nhằm chuyển lợi nhuận từ Việt Nam sang quốc gia có thuế suất thấp hơn, nhằm tránh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Về hoạt động chuyển giá, hiện nay, Thông tư 66/2010/TT-BTC đã hướng dẫn về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, quy định về các trường hợp doanh nghiệp được xác định là các bên có quan hệ liên kết.
Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, bà Phạm Minh Nguyệt, Giám đốc Marketing Adidas Việt Nam cho biết, hiện tại, Công ty đang phối hợp với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Do đó, Công ty chưa thể cung cấp thông tin gì về vụ việc này.