Dầu khí Nga “Đông tiến”

Theo daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh giá dầu thị trường thế giới giữ ở mức thấp trong hơn một năm qua, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) lần thứ III tại Iran vừa qua đã trở thành diễn đàn để Nga thể hiện tầm nhìn thực tế thông qua chiến lược “Đông tiến” ngành năng lượng, vẽ lại bản đồ năng lượng châu lục tiềm năng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tham vọng của Nga

Hội nghị có sự tham gia của Tổng thống các quốc gia Iraq, Turkmenistan, Guinea Xích đạo, Bolivia, Nigeria, Nga, Venezuela, Thủ tướng Algeria cùng Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF). Tại hội nghị, các nước thành viên GECF đã thảo luận về triển vọng cũng như các xu thế của thị trường khí đốt toàn cầu trong trung và dài hạn, đồng thời xem xét việc kết nạp Azerbaijan với tư cách thành viên quan sát của GECF.

Tại đây, Nga kêu gọi các nước cần xóa tên nguồn năng lượng khỏi danh sách các công cụ gây áp lực chính trị hay trừng phạt kinh tế. Đó là những biện pháp không thể chấp nhận được trong chiến lược năng lượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong GECF cũng như với các nước khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu, để nền kinh tế thế giới phát triển ổn định.

Theo ông, Nga sẽ gia tăng khối lượng sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên, báo hiệu khả năng Moscow thay đổi bản đồ năng lượng châu Á. Thực tế, Nga đã dự kiến đến năm 2035 sẽ tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên lên 40%, và khối lượng bán khí hóa lỏng sẽ tăng gấp ba lần. Hiện tại, Moscow có kế hoạch thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng cùng với các đối tác Liên minh châu Âu (EU) và dự định sẽ xuất khẩu, gia tăng cung cấp khí đốt theo hướng Đông. Về mặt này, xứ sở Bạch Dương đang tích cực làm việc với các đối tác từ các nước châu Á, kể cả với Trung Quốc và Ấn Độ, để tăng số lượng khí đốt xuất khẩu sang các nước châu Á đến 128 tỷ mét khối, tăng từ 6 - 30%.

Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành nhà tiêu dùng lớn nhất khí đốt của Nga, thông qua các đường ống dẫn khí và khí hóa lỏng. Vòng tham vấn với các công ty Trung Quốc CNPC và PetroChina về dự án xây dựng đường ống dẫn khí từ Sakhalin vừa kết thúc tại Bắc Kinh. Tập đoàn Gazprom đang xây dựng đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia. Không loại trừ khả năng tuyến đường ống này sẽ có một nhánh đến Ấn Độ. Sáng kiến trên của Thủ tướng Narendra Modi đã nhận được sự ủng hộ về chính trị của Moscow. Theo New Delhi, dự án này là một phương hướng quan trọng để đa dạng hóa sự hợp tác năng lượng với Nga. Hiện tại, Ấn Độ đang nhập khẩu dầu mỏ của Nga từ Sakhalin.

Hai tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga là Gazprom và Rosneft cũng có kế hoạch thành lập các cơ sở mới sản xuất khí hóa lỏng Vladivostok LNG với công suất 15 triệu tấn và Viễn đông LNG với công suất 10 triệu tấn. Các dự án trên sẽ tạo bước đột phá trong thị trường LNG. Nga sẽ có khả năng mở rộng danh sách các nhà nhập khẩu tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ và trong triển vọng dài hạn là cả Pakistan. Hiện tại, Nga mới chỉ có một nhà máy sản xuất khí hóa lỏng trên đảo Sakhalin, trong đó toàn bộ sản lượng đã được ký kết hợp đồng cho những năm tới. Cụ thể là Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 80% sản lượng của nhà máy. Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore mua phần còn lại.

Chuyển hướng thực tế

Theo giới phân tích, Nga đã có sự chuyển hướng thực tế khi hướng tới sản phẩm khí đốt cho các đối tác phía Đông xuất phát từ thực tế giá dầu giảm và các nước châu Âu đang tìm cách hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow.

Với việc khánh thành một cảng tiếp nhận khí đốt hóa lỏng quy mô lớn ở Tây Bắc Ba Lan và ký kết một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí từ Ba Lan qua Litva và các nước vùng Baltic đã có một bước tiến lớn trong nỗ lực thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga. Cảng biển này nằm tại Swinouijscie, thành phố miền Tây Bắc Ba Lan, có khả năng trực tiếp nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia vùng Vịnh. Trong khi đó, đường ống dẫn khí đốt từ Ba Lan sang Litva sẽ có chiều dài 534km, có khả năng vận chuyển 2,4 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và có thể nối tiếp sang Latvia và Estonia. Công trình trên có giá trị đầu tư 558 triệu euro, trong đó 300 triệu euro do EU hỗ trợ, sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Bên cạnh đó, ba nước vùng Baltic, Litva, Latvia và Estonia đang thúc đẩy nhiều dự án nhằm tăng cường xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt nối với các nước Ba Lan và Đan Mạch hay Phần Lan. Tất cả vì một mục tiêu chiến lược là sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga để tránh nguy cơ bị chi phối về mặt chính trị.

Điện Kremlin và những nhà sản xuất dầu khí nước này từ lâu đã nắm bắt được tâm lý của châu Âu muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng và muốn tìm kiếm các thị trường mới. Đến những năm 2000, gần như tất cả khối lượng dầu của Nga được xuất khẩu sang châu Âu, nhưng năm ngoái, thị phần tại đây đã giảm mạnh. Cạnh tranh dầu khí là một làn sóng ngầm trong chính sách Trung Đông của ông Putin. Nhà lãnh đạo Nga hy vọng, khi đồng minh Iran trở lại thị trường dầu khí thế giới, Nga sẽ bằng cách nào đó chia sẻ lợi nhuận, có thể là thông qua các đường ống dẫn dầu mới ở Syria. Hiện nay, khi mà sự thống trị về năng lượng của Nga ở châu Âu đang bị đe dọa, quyết tâm giải quyết cuộc xung đột Syria của Tổng thống Putin sẽ không dừng lại.

GECF hiện có 19 quốc gia thành viên gồm Iran, Nga, Qatar, Algeria, Bolivia, Ai Cập, Guinea xích đạo, Libya, Nigeria, Trinidad và Tobago, Venezuela và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) là các thành viên chính; Hà Lan, Iraq, Oman, Azerbaijan, Peru, Kazakhstan và Na Uy là các thành viên quan sát. GECF hiện chiếm 42% tổng sản lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu, 70% tổng trữ lượng khí đốt của thế giới, 40% hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt và 65% lượng khí đốt xuất khẩu của thế giới.