Kinh nghiệm quốc tế trong cải cách thủ tục hành chính thuế
Các nước trên thế giới hiện nay đều đưa ra nhiều chính sách cải cách thuế nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế.
Đơn giản hóa pháp luật về thuế
Nhằm cải cách thủ tục hành chính về thuế thì việc đơn giản hóa các pháp luật về thuế là giải pháp phổ biến được hầu hết các nước trên thế giới thực hiện.
Một hệ thống thuế đơn giản là hệ thống thuế với ít sắc thuế và mức thuế suất, hạn chế việc miễn giảm. Đối với các nước đang phát triển, một hệ thống chính sách thuế đơn giản sẽ dễ quản lý và dẫn đến mức độ tuân thủ cao hơn một hệ thống thuế phức tạp.
Các thông tin cần thiết trên các mẫu đơn thuế được xây dựng đơn giản và phù hợp với các số liệu có sẵn từ sổ sách và hồ sơ của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, các nước cũng thực hiện đơn giản hóa về thuế suất các loại thuế (áp dụng một mức thuế suất thuế giá trị gia tăng), đơn giản hóa cơ cấu giá, đơn giản hóa cấu trúc về thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu trong quá trình cải cách chính sách thuế thu nhập cá nhân đã thực hiện theo hướng xóa bỏ biểu thuế lũy tiến, áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Tăng cường tuân thủ tự nguyện
Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ hệ thống quản lý thuế nào cũng đều hướng đến thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của đối tượng nộp thuế. Việc thực hiện xử phạt trốn thuế hay truy thu thuế không phải là mục tiêu chính của quản lý thuế.
Để đạt được mục tiêu này, cần nâng cao nhận thức của đối tượng nộp thuế, tuyên truyền cho họ hiểu rằng nếu không tuân thủ thì sẽ bị phát hiện và có các chế tài xử phạt thích đáng. Do đó, quản lý thuế là nghệ thuật nhằm đạt được một sự cân bằng giữa dịch vụ cho người nộp thuế và thực thi các luật thuế và các quy định để thúc đẩy tuân thủ tự nguyện.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn luôn tồn tại những trở ngại làm giảm tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế như: Sự bất bình đẳng trong hệ thống chính sách thuế, sự phức tạp của pháp luật về thuế, sự thiếu công bằng của hệ thống chế tài xử phạt, chương trình giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đối tượng nộp thuế chưa đạt hiệu quả, đội ngũ nhân viên quản lý thuế chưa đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình xử lý khiếu nại...
Để thúc đẩy tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, các nước thường áp dụng chương trình kiểm toán dự phòng giúp cơ quan thuế sử dụng dữ liệu có liên quan để phát hiện đối tượng trốn thuế. Ngoài ra, biện pháp phổ biến được nhiều quốc gia thực hiện là xây dựng một hệ thống tự đánh giá, người nộp thuế có trách nhiệm tự tính, tự kê khai và tự thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đồng thời, các cơ quan quản lý thuế cũng tích cực nâng cao hiệu quả của các chương trình giáo dục, tuyên truyền, cung cấp thông tin và hỗ trợ người nộp thuế nhằm cải thiện và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trong việc tự nguyện tuân thủ các nghĩa vụ thuế, đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế quốc dân.
Áp dụng hệ thống quản lý thuế hiện đại
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xây dựng một hệ thống quản lý thuế hiện đại dựa trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin và tin học tiên tiến để giúp giảm thời gian, chi phí tuân thủ và thanh toán thuế.
Việc ứng dụng hệ thống điện tử để nộp và thanh toán thuế sẽ loại bỏ các thủ tục giấy tờ và sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế, từ đó hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Thanh toán thuế là một hoạt động đòi hỏi nhiều thời gian của các doanh nghiệp. Việc sử dụng phương thức thanh toán điện tử tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng và ít tốn kém hơn.
Các hình thức thanh toán thuế điện tử bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bưu điện, qua điện thoại di động, mạng internet, ghi nợ trực tiếp… Trong đó, các hình thức thanh toán qua ngân hàng, bưu điện, internet và ghi nợ trực tiếp được các nước sử dụng khá phổ biến.
Phát triển nguồn nhân lực quản lý thuế hiệu quả, chuyên nghiệp
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý thuế, không chỉ tập trung vào việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình quản lý thuế mà điều quan trọng hơn là phải đạt được mục tiêu xây dựng một đội ngũ quản lý thuế trung thực, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Các giải pháp cần thực hiện là đảm bảo mức lương/thu nhập của cán bộ thuế tương xứng với những trọng trách công việc được giao; thiết kế hệ thống quản lý thuế mà cán bộ thuế ít tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nộp thuế để giảm thiểu các tiêu cực có thể phát sinh.
Các nước đều xây dựng chiến lược hoặc kế hoạch quản lý nhân sự ngành thuế và coi đây là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, trong đó tập trung vào các nội dung như: Chế độ tuyển dụng, kỹ năng phát triển, khả năng lãnh đạo và quản lý, sự hài lòng của nhân viên, sự đa dạng về tuổi, mức lương và phụ cấp, số nhân viên/tỷ lệ doanh thu, chế độ đãi ngộ, động viên, khen thưởng…
New Zealand tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành thuế dựa trên đánh giá năng lực cán bộ trong sử dụng công nghệ thông tin tập trung vào các dự án phát triển nguồn lực, tăng cường năng lực quản lý của các bên liên quan, tăng cường kỹ năng và sự hiểu biết của các nhân viên thuế thông qua việc cung cấp những cơ hội phát triển, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo trong những lĩnh vực trọng tâm như thu nợ, đào tạo hệ thống, kiến thức kỹ thuật cao cấp và kết nối mạng.
Cơ quan thuế của Singapore (IRAS) tiến hành khảo sát môi trường làm việc của tổ chức theo định kỳ hai năm một lần để thu thập các thông tin phản hồi từ nhân viên, trên cơ sở đó, đề xuất các sáng kiến cải tiến và phát triển nguồn nhân lực ngành thuế.
Ngành thuế của Malaysia đặt ra yêu cầu ít nhất 60% nhân viên quản lý thuế phải tham dự đủ 56 giờ đào tạo mỗi năm. Trong khi ngành thuế của Phần Lan phát triển rất đa dạng các hình thức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý thuế, đặc biệt chú trọng đến các hình thức đào tạo thông qua hệ thống internet, video và hội nghị trực tuyến.
Đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực
Trong những năm gần đây, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý thuế với các nước trong khu vực đã trở thành một trong những biện pháp đem lại hiệu quả rất lớn trong cải cách thủ tục hành chính thuế.
Các nước nói tiếng Pháp tại vùng sa mạc châu Phi (2000) đã thành lập một liên minh thuế quan giữa các nước thành viên nhằm mục đích thúc đẩy tự do hóa thương mại cộng đồng trong khối, mở rộng thương mại nội khối và giảm thuế nhập khẩu.
Năm 2006, các nước trong Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi (WAEMU) đã thông qua chương trình chuyển tiếp tài chính (PTF) để bù đắp giảm thuế và các khoản thu hải quan, từ đó thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong WAEMU.
Tính đến giữa năm 2012, 12 quốc gia OECD (Áo, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Israel, Mexico, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Slovakia và Tây Ban Nha) đã liên kết quản lý thuế và các hoạt động hải quan trong một tổ chức duy nhất.
Một số nước không thuộc OECD (như Argentina, Brazil, Colombia, Latvia, Romania và Nam châu Phi) và Malta cũng đang tiến hành tích hợp hoạt động quản lý thuế và hải quan để đạt được những kết quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan.