Nhân dân tệ vào IMF: Cần theo dõi sát sao!
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đồng ý đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế SDR, tức nhóm gồm 5 loại tiền tệ thuộc quyền rút vốn đặc biệt của IMF. Điều này được đánh giá sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam.
Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2016. Tại thời điểm đó, IMF nhận định NDT sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong giỏ SDR, so với của USD là 41,73%, của Euro là 30,93%, của Yên là 8,33%.
Chuyên gia của IMF dự báo, tỷ trọng của NDT có thể tăng dần lên 14-16%. Hiện trong SDR, USD chiếm tỷ trọng 41,9%, Euro chiếm 37,4%, Bảng Anh chiếm 11,3% và Yên 9,4%.
Với sự kiện này, không chỉ nền kinh tế thế giới chịu sự tác động mà nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều ảnh hưởng khi hoạt động giao thương với Trung Quốc ở nước ta diễn ra liên tục.
Nhận định, dự báo về những tác động tới Việt Nam, chuyên gia tài chính- ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho hay, về lý thuyết, sự kiện này sẽ khiến đồng NDT tăng giá.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ không để tiền tăng giá do lo ngại ảnh hưởng đến xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế nước này có chiều hướng đi xuống.
Vì thế, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh chính sách tỷ giá linh hoạt hơn, và điều này sẽ tác động đến tỷ giá của Việt Nam, tất nhiên không phải tỷ giá Việt Nam sẽ tăng giảm theo kiểu “song hành” mà sẽ có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, tác động của sự kiện trên cũng liên quan đến nợ nước ngoài của Việt Nam, vì nợ theo tiền SDR chiếm khoảng 25% tổng nợ. Tuy vậy, trong rổ SDR có đến 5 loại tiền tệ khác nhau, giả sử tỷ giá NDT tăng nhưng các loại tiền khác xuống giá thì chúng sẽ bù đắp lẫn nhau, nên chưa thể nói trước được việc sẽ có ảnh hưởng tăng hay giảm nợ, nhưng tỷ giá giữa các loại tiền tệ này chắc chắn sẽ thay đổi.
Cùng với nợ nước ngoài là tình hình dự trữ ngoại hối của Việt Nam, SDR là tiền tệ dự trữ và trong cấu trúc dự trữ đó, rõ ràng sắp tới sẽ có một phần là NDT nên các nước bắt đầu gom giữ NDT. Hiện dữ trữ NDT trên toàn thế giới chiếm 1%, nhưng dự kiến 4-5 năm nữa, con số này sẽ lên khoảng 5%.
Điều quan trọng là khi tỷ giá NDT thay đổi, dần trở nên mạnh hơn thì trong thanh toán các hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đề nghị doanh nghiệp Việt Nam thanh toán bằng đồng NDT nhiều hơn.
Có thể thấy, với tình hình như hiện nay, đồng NDT đã mạnh hơn, được tự do chuyển đổi nhiều hơn nên cần phải có sự chủ động, chuẩn bị sớm với bất kỳ diễn biến nào có thể xảy ra. Đặc biệt, vào 16-12 tới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất 70% theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, nên thị trường chắc chắn sẽ còn nhiều biến động.
Chính vì thế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải làm 4 việc: một là theo dõi sát sao hơn động thái, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có những điều chỉnh hợp lý; hai là suy nghĩ dần dự trữ ngoại hối trong đó có đồng NDT; 3 là chú trọng, tăng cường hơn về quản lý rủi ro liên quan đến tỷ giá, lãi suất, định chế tài chính; cuối cùng là trong thanh toán xuất nhập khẩu với Trung Quốc, các doanh nghiệp phải đàm phán cẩn thận hơn, chủ động đưa ra những điều kiện để chấp nhận thanh toán bằng NDT, chú ý đến diễn biến của tỷ giá để lên phương án sẵn sàng ứng phó.