Đầu ra nào cho ngành trồng trọt?

PV.

(Tài chính) Câu chuyện dưa hấu chưa qua, nay thị trường nông sản lại chứng kiến cảnh xoài đổ đống, ớt chín đỏ cây mà không có người mua. Người nông dân đang điêu đứng, vì đâu ngành trồng trọt ra nông nỗi ?

Thị trường nông sản lại chứng kiến cảnh xoài đổ đống, ớt chín đỏ cây mà không có người mua. Nguồn: internet
Thị trường nông sản lại chứng kiến cảnh xoài đổ đống, ớt chín đỏ cây mà không có người mua. Nguồn: internet

Đỏ mắt vì dưa

Hơn hai tháng trước các tỉnh phía Nam và miền Trung đồng loạt thu hoạch rộ, thương lái ép giá chỉ còn 1.000 - 3.000 đồng/kg dưa hấu, nhiều hộ nông dân vì không bán được dưa, thu hoạch không kịp đã để mặc dưa thối ngay trên cánh đồng. Mặc dù dưa giá rẻ nhưng vẫn bị tiểu thương ép giá. Trước khi vào đại mùa các thương lái đã đặt hàng vườn dưa của các hộ nông dân, nhưng khi vào mùa thu hoạch do giá cả chênh lệch quá nên thương lái cũng đành bỏ luôn cọc, xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc, bị ép giá đành phải vứt cho bò ăn, bán rẻ tại của khẩu hoặc đổ dưa để về.

Câu chuyện đắng lòng này không còn là chuyện mới, thế nhưng vẫn tiếp diễn trong thời gian dài. Làm cho người nông dân dù được mùa cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, không lấy lại được vốn chưa nói đến lời lãi. Mà không chỉ nông dân, ngay cả những thương lái cũng ngậm ngùi theo. Vậy tại sao tình trạng này vẫn diễn ra? Từ những phán đoán thời vụ tự phát, thiếu thông tin thị trường, đầu ra không ổn định mà những người nông dân gặp phải vô số khó khăn ngay cả khi được mùa. Do vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết một cách hiệu quả, không thể mãi để những chủ trương và chính sách chỉ là chuyện “hô hào” lâu nay.

Đắng ruột vì xoài

Trái với câu chuyện về dưa hấu xuất khẩu bị ứ đọng, thương lái ép giá thì trên thị trường hàng nông sản lại tồn tại một nghịch lý: xoài trong nước đang vào vụ thu hoạch, giá bán tại các chợ đầu mối từ 2.000 – 3.000 đồng/ kg, nông dân miền Nam đang đau đầu vì xoài thì xoài nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn giữ được bán giá khá cao, trong khi xuất sang thị trường này chỉ một số ít đạt tiêu chuẩn. Tại thị trường miền Bắc, giá xoài bán lẻ dao động trong mức từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, xoài Thái giữ giá trên 45.000 đồng/kg. Ở đây chưa nói đến chất lượng, mẫu mã mà nhìn vào thực tế cho thấy, trong khi giá xoài trong nước rớt thê thảm, người nông dân đang đỏ mắt chông chờ thương lái thì người tiêu dùng vẫn chuộng hàng nhập khẩu.

Sở dĩ xoài năm nay bị rớt giá vì hai nguyên nhân: thứ nhất, năm nay được mùa, thời tiết thuận lợi nên năng suất xoài ở các tỉnh Đông Nam bộ và miền Tây tăng cao, năng suất bình quân cây lên đến 500 kg có cây lên 700 kg/cây. Thứ hai, lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc vừa bị ép giá, vừa phải đạt tiêu chuẩn cao cả về mẫu mã và chất lượng.

Mấy năm trước, xoài miền Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc, lượng tiêu thụ trong nước rất nhỏ thì năm nay gần như ngược lại, vừa bán vừa cho. Thêm vào đó, một khi hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ứ đọng thì câu chuyện dưa hấu gần như lặp lại với người trồng xoài. Do vậy, bài toán đầu ra cho hàng nông sản lại một lần nữa như hồi chuông cảnh tỉnh cả các ngành chức năng và người nông dân phải cân nhắc lại. Chúng ta phải có chính sách quy hoạch lại tổng thể diện tích từng loại cây, hình thành nên những vùng chuyên canh hoặc hợp tác xã cây trồng để có chiến lược đầu tư phát triển, thị trường đầu ra ổn định, xây dựng chính sách cụ thể cho hàng nông sản xuất khẩu, nhất là không thể trông chờ vào thị trường “đỏng đảnh” và bất ổn, khó chơi như Trung Quốc để phát triển nông sản, trái cây Việt Nam mà cần phải nâng cao chất lượng hàng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để mở rộng, khai thác thị trường mới, có như vậy mới giúp đỡ được người nông dân.

Cay lòng vì ớt

Những ngày qua, nông dân Quảng Nam, Bình Định đang thu hoạch rộ vụ ớt đông xuân. Tuy ớt rất được mùa nhưng nhà nông lại chẳng lấy gì làm vui vì giá thu mua sản phẩm liên tục giảm mạnh. Trước đó, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 dương lịch, 1kg ớt tươi trên thị trường cứ luôn dao động ở mức 15-18 nghìn đồng. Thế nhưng, vào thời điểm đó, đồng ớt này còn trong giai đoạn trái non người nông dân không thể thu hoạch để bán. Khi những cánh đồng ớt chín đỏ cây thì giá lại tụt xuống còn 5 thậm chí 3 nghìn đồng/kg. Nếu không thu hoạch thì khi trời đổ mưa ớt sẽ rụng và thối hàng loạt.

Cũng tương tự như những mặt hàng nông sản khác, lượng ớt bán cho thương lái giảm mạnh, tại một số nơi, vì quá xót của, nhiều hộ dân quyết định hái ớt phơi khô rồi chờ giá nhích lên mới đưa đi tiêu thụ. Ở khu vực Tây Nam bộ, nghe lời dụ dỗ, người nông dân trồng ớt chuyển sang trồng giống ớt Demol của thương lái Trung Quốc, người trồng ớt Đồng Tháp được mùa nhưng méo mặt vì không bán được. Nếu giá ớt đầu năm 2013 thương lái Trung Quốc thu mua tới cả chục ngàn đồng thì nay chỉ còn 2.000 đồng đến 3.000 đồng. Thương lái nước ngoài bỏ đi, giống ớt Demol không thể tiêu thụ tại thị trường nội địa khiến người dân dù bán giá như cho vẫn không đẩy được hàng. Còn rất nhiều câu chuyện về nông sản, thủy sản khác mà dù có được mùa hay mất mùa người nông dân đang phải đối mặt hằng ngày những khó khăn.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp cần phải xây dựng một chiến lược phát triển ngành nông nghiệp từ xây dựng quy mô, nguồn cây trồng, chất lượng hàng nông sản cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu thu mua với người dân, để giảm bớt chi phí ở các khâu trung gian. Nếu làm được việc này thì nhà vườn không phải chịu cảnh thương lái ép giá giống như lúa gạo, mía đường và nhiều mặt hàng nông sản khác.

Các Cục Xúc tiến Thương mại cũng nên phối hợp với các Vụ để tìm đầu ra cho các thị trường nông sản. Không chỉ ở các thị trường truyền thống mà tham gia các sân chơi mới thông qua việc đàm phán kí kết tham gia các hiệp định thương mại để có khung pháp lý chung trong xuất nhập khẩu thay vì tình trạng ép giá, lúc nhập lúc lại không nhập làm người nông dân điêu đứng. Bên cạnh đó, trên cơ sở chính sách xây dựng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, người nông dân cũng không nên vì lợi nhuận trước mắt mà trồng cây đại trà, ồ ạt vì như vậy khi cung vược quá cầu của thị trường thì tình trạng ép giá, thua lỗ là điều khó tránh khỏi.