Đấu tranh với “thách thức kép”: Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID 19 còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống thiên tai trong thời điểm mùa mưa bão năm 2021 có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, dịch bệnh, sáng ngày 19/5/2021, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF tại Việt Nam tổ chức buổi thảo luận trực tuyến nhằm dự thảo, đề xuất các phương án chủ động ứng phó trước “thách thức kép”.
Tại buổi làm việc, hai bên đề cập các vấn đề liên quan đến tình hình thiên tai tại Việt Nam, nhận định diễn biến thiên tai trong thời gian tới; phân tích, đánh giá thực trạng, năng lực ứng phó hiện tại của Việt Nam trước “thách thức kép”, đặc biệt là những thách thức cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, năng lực cán bộ, truyền thông… khi có “thách thức kép” thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Đại diện UNICEF chia sẻ những lo ngại lớn trong vấn đề nước sạch, môi trường, vệ sinh,… cho người dân trong trường hợp phải di tản, sơ tán tránh tạo môi trường khiến dịch bệnh bùng phát, lây nhiễm rộng.
Trước chia sẻ những lo ngại từ phía UNICEF, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã đưa ra một số giải pháp, hoạt động đã triển khai thực hiện và chỉ đạo điều hành các địa phương trong đợt dịch bùng nổ năm 2020 cũng như mới đây nhất.
Hiện tại, Tổng cục Phòng chống thiên tai - VPTT Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhanh chóng chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh/ thành phố rà soát, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, theo phương châm 4 tại chố, trong đó có vấn đề sơ tán dân, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm tại nơi sơ tán tập trung, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm tại nơi sơ tán tập trung, đảm bảo trang thiết bị y tế, hóa chất khử trùng,…
Đồng thời, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đưa ra nhiều giải pháp truyền thông, thông tin nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng, chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra cùng lúc.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đưa ra một số hành động trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh công tác truyền thông về phòng chống thiên tai, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng tuy nhiên hiện nay các tài liệu và phương pháp truyền thông hiện nay còn hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh, vì vậy việc xây dựng tài liệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tại cơ sở cần được quan tâm.
Tại các địa phương cần rà soát các phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch, bảo đảm các dịch vụ thiết yếu. Cần có các tài liệu hướng dẫn quy trình nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ví dụ như vấn đề di dời sơ tán người dân. Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp, cần sẵn sàng các kịch bản ứng phó với mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID, chuẩn bị sẵn các phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó nhanh.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động, UNICEF kiến nghị nên có sự phối hợp giữa 3 bên, bao gồm Tổng cục Phòng chống thiên tai - VPTT Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, UNICEF Việt Nam và Bộ Y tế để thông tin, hướng dẫn ứng phó có thể tiếp cận nhanh chóng, chính xác, kịp thời đến người dân, giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân trước dịch bệnh Covid-19./.