Đầu tư bài bản hơn cho đào tạo nghề
Theo số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cả nước hiện vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trong khi mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030, tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% - 40%. Con số này cho thấy, những thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Việc đầu tư cho GDNN cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là các ngành số hóa.
Lao động qua đào tạo ngày càng "hot"
Theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến "Việc làm tốt", nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng năm 2024 trên nền tảng này tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu lớn nhưng có đến 85% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, đang gặp phải tình trạng thiếu lao động.
Còn theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), doanh nghiệp Việt đang có hơn 836.000 việc làm lao động phổ thông cần tuyển. Trong khi đó, có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm. Nguyên nhân của việc doanh nghiệp không thể tuyển dụng mà vẫn nhiều người thiếu việc làm là do kỹ năng thiếu hụt của một bộ phận không nhỏ thanh niên.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa tổ chức cho thấy, yêu cầu trình độ tuyển dụng đã có một số thay đổi. Nếu như những năm trước, doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông không yêu cầu cao về trình độ, tay nghề, thì hiện nay, yêu cầu về trình độ đặt ra cao hơn. Tại phiên giao dịch, gần 80% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật, trung cấp.
Ông Trần Bá Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công nghệ cao Điện Quang cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng đón đầu xu hướng về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Để thực hiện điều đó, Điện Quang đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao, sẵn sàng nhận gia công cho các đơn vị theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
Đề cập đến tiêu chí tuyển dụng, ông Phan Quyết Long, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long (Hà Nội) cho biết, lựa chọn lao động của công ty dựa trên các khả năng đáp ứng cơ bản của sinh viên mới ra trường, nhất là kỹ năng mềm trong nhà máy.
"Để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, công ty không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư mà vẫn có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn là đáp ứng được yêu cầu. Để chủ động nguồn lao động này, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề đồng hành với sinh viên từ những ngày đầu, đến khi tốt nghiệp", ông Long cho biết.
Tương tự, Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân hiện sở hữu 5 nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương. Với 90% lực lượng lao động trực tiếp làm việc tại nhà máy, Duy Tân luôn coi đào tạo là lợi thế cạnh tranh. Chiến lược tuyển dụng của Công ty tập trung vào việc phát triển nhân lực từ bên trong.
Đối với lao động gián tiếp, doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và đào tạo họ để trở thành những nhân viên chuyên nghiệp. Còn lao động trực tiếp được tuyển dụng từ những người chưa có kinh nghiệm và được huấn luyện bởi đội ngũ nhân sự dày dặn kinh nghiệm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Chia sẻ về công tác đào tạo nghề, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, năm 2012, tỷ lệ khối ngành kỹ thuật công nghệ của trường chỉ chiếm 8% trong chỉ tiêu tuyển sinh. Đến năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên 31%. Điều này là một thành tựu đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế về số lượng và chất lượng; cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại không theo kịp những công nghệ tiên tiến trên thế giới; nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực công nghệ cao còn rất ít; kinh phí đầu tư còn khiêm tốn; tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài, chất lượng cao khó; chiến lược chưa có sự chuẩn bị nhân lực cho các ngành công nghệ mới…
GS.TS Nguyễn Đình Đức cho rằng, muốn có nhân lực tốt thì cần có các chuyên gia giỏi để tiếp cận công nghệ của thế giới, cần xây dựng định hướng đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cao mũi nhọn; đào tạo hiệu quả ngoại ngữ trong trường đại học; liên kết với doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo công nghệ cao…
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, cần xác định rõ tiêu chí chất lượng cao gắn với thị trường lao động, phân tích kỹ lưỡng cơ cấu kinh tế, thị trường công nghệ đến năm 2035 và những năm tiếp theo để có cơ cấu chương trình đào tạo phù hợp; cùng với đó là các điều kiện thực hiện, bảo đảm chất lượng với chương trình chất lượng cao.
Đồng quan điểm trên, theo TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, để chuyển đổi số hiệu quả trong các cơ sở GDNN thì cần ưu tiên đầu tư, tập trung xây dựng nền tảng, công nghệ đồng bộ, hoàn chỉnh, thường xuyên.
Xã hội hóa đầu tư thiết bị đầu cuối cho học sinh, sinh viên; nghiên cứu, chỉnh sửa, ban hành chính sách, thể chế phù hợp với hoạt động chuyển đổi số; hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc xây dựng các loại hình học liệu số; tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số; thành lập trung tâm nội dung chuyển đổi số bảo đảm hoạt động xây dựng, vận hành... có sự tham gia của các doanh nghiệp khoa học công nghệ; tập trung, chia sẻ, khai thác kho dữ liệu dùng chung giữa các cơ sở GDNN...