Đầu tư tài chính không xấu
(Tài chính) Thời gian qua nhiều doanh nghiệp tranh thủ “kiếm thêm” trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, không ít doanh nghiệp lơ là hoạt động kinh doanh chính lao vào con đường kiếm tiền qua việc đầu cơ cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp xác định chiến lược đầu tư vào doanh nghiệp khác một cách bài bản khi mà hoạt động kinh doanh chính đã bão hòa hoặc muốn mở rộng sang lĩnh vực khác.
Bức tranh đầu tư tài chính của doanh nghiệp
Dù mới chỉ hoạt động hơn 10 năm nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều đợt sóng gió. Những cơn nóng lạnh của thị trường trong thời gian qua đều có dấu ấn của tình trạng đầu cơ cổ phiếu. Không chỉ có nhà đầu tư cá nhân hay các tổ chức chuyên đầu tư mà có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại cũng đầu tư cổ phiếu một cách mạnh mẽ.
Năm 2008, rất nhiều doanh nghiệp dù hoạt động kinh doanh chính vẫn tốt nhưng đã thua lỗ hàng trăm tỉ đồng bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Điển hình như Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lỗ 340 tỉ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) cũng lỗ hơn 100 tỉ đồng từ hoạt động tài chính.
Những năm vừa qua còn có nhiều doanh nghiệp “sẩy chân” vì phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Tính đến cuối năm 2013, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) đã lỗ lũy kế lên tới 3.262 tỉ đồng. Trong đó chỉ riêng khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn lên đến 1.375 tỉ đồng, bằng 40% giá trị gốc của khoản đầu tư. Các doanh nghiệp khác như FPT, PVI, REE cũng đang phải trích lập dự phòng tài chính khá lớn cho khoản đầu tư tài chính của mình.
Thống kê báo cáo tài chính của 645 doanh nghiệp phi tài chính đang niêm yết trên sàn thì hầu hết các doanh nghiệp này đều có đầu tư tài chính (đầu tư cổ phiếu ngắn hạn hoặc công ty liên doanh liên kết). Tổng giá trị khoản đầu tư ngắn hạn là 47.490 tỉ đồng, số tiền dự phòng giảm giá là 1.501 tỉ đồng. Đầu tư dài hạn là 75.125 tỉ đồng (không tính đầu tư công ty con) và dự phòng giảm giá là 3.000 tỉ đồng. Tổng đầu tư tài chính của các doanh nghiệp chiếm 30% vốn chủ sở hữu và 12% tổng tài sản.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2013 đạt 23.300 tỉ đồng. Còn chi phí tài chính là 27.042 tỉ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay là 20.860 tỉ đồng. Như vậy, chi phí cho hoạt động đầu tư tài chính vào khoảng hơn 6.000 tỉ.
Do đó, nếu so với những năm trước đây thì hoạt động tài chính năm 2013 hiệu quả hơn khá nhiều, sau khi trừ chi phí, hoạt động tài chính mang về khoản thu là hơn 17.000 tỉ đồng, một con số khá cao so với tổng đầu tư tài chính là 121.114 tỉ đồng.
Bài toán quản trị và quản lý
Nói đến đầu tư tài chính của doanh nghiệp nhiều người thường nghĩ ngay đến việc doanh nghiệp đầu cơ hoặc sở hữu chéo. Trên thực tế những đợt nóng lạnh của thị trường trong thời gian qua có nguyên nhân khá quan trọng từ việc các doanh nghiệp đầu tư tài chính một cách quá mức. Việc sở hữu chéo ngân hàng hay việc đầu tư vào các công ty “sân sau” được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra những bất ổn trong hệ thống tài chính. Hay việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành cũng bị chỉ trích mạnh mẽ. Mới đây Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Như vậy, việc đầu tư tài chính của doanh nghiệp dường như không được xã hội nhìn nhận với con mắt thiện cảm. Tuy nhiên, cần phải khẳng định việc doanh nghiệp đầu tư tài chính là hoạt động bình thường và phổ biến dù trong giấy phép đăng ký kinh doanh không có ngành nghề kinh doanh là “đầu tư tài chính”.
Việc đầu tư tài chính của doanh nghiệp là một bài toán quản trị. Trước đây, nhiều doanh nghiệp huy động vốn và vay vốn một cách dễ dàng nên đã đổ tiền vào chứng khoán nhằm kiếm lời nhanh nhất. Nhiều ngân hàng cũng lao vào cuộc đua bằng cách ủy thác hàng ngàn tỉ đồng cho công ty chứng khoán của mình để tự doanh, mua bán doanh nghiệp. Cũng có trường hợp ban lãnh đạo công ty do “ham mê” chứng khoán cũng sử dụng tiền cổ đông để đi đầu tư.
So với những năm trước đây thì hoạt động tài chính năm 2013 hiệu quả hơn khá nhiều, sau khi trừ chi phí, hoạt động tài chính mang về khoản thu là hơn 17.000 tỉ đồng, một con số khá cao so với tổng đầu tư tài chính là 121.114 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, đầu tư tài chính mở rộng cũng là một bước phát triển của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau khi phát triển đến một quy mô nhất định và ngành nghề chính có dấu hiệu bão hòa thì thường mở rộng sang hướng mới. Trong đó, bước khởi đầu thường là đầu tư tài chính và các doanh nghiệp khác. Điển hình như REE, ngoài việc đầu tư vào ngành chính là cơ điện lạnh, bất động sản thì cũng đã tăng cường đầu tư tài chính vào những doanh nghiệp cơ sở hạ tầng và ngành điện. Tính đến cuối năm 2013, tổng giá trị danh mục đầu tư tài chính trên báo cáo hợp nhất của REE lên tới hơn 4.000 tỉ đồng, chiếm gần 60% tài sản của công ty. Năm 2013, đầu tư tài chính giúp REE nâng được giá trị công ty lên cao.
Công ty mẹ Masan (MSN) cũng không hề thực hiện hoạt động kinh doanh. Tất cả tài sản của MSN là các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, MSN không phải đầu tư chứng khoán kiếm lời ngắn hạn mà đầu tư chi phối để hình thành một tập đoàn đa ngành.
Như vậy, việc đầu tư tài chính của doanh nghiệp là vấn đề thuộc về quản trị doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng tiền cổ đông để đầu cơ ngắn hạn hoặc dài hạn nhưng thiếu một chiến lược rõ ràng thì có thể để lại nhiều hệ quả xấu cho doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng đa ngành cũng là một xu hướng tất yếu của nhiều doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả, nếu đầu tư tài chính mang tính quản lý dòng tiền sao cho hiệu quả nhất, không để doanh nghiệp ôm nhiều tiền mặt mà đầu tư vào các công cụ tài chính an toàn như trái phiếu chính phủ thì phải xem là hoạt động hoàn toàn bình thường. Mấu chốt là doanh nghiệp phải có một chiến lược rõ ràng và khả năng quản trị tốt.