Đầu tư tại Việt Nam: Cơ hội còn rất lớn

Lê Thuận - theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Sáng 11/9, do Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã tổ chức sự kiện "Gateway to Vietnam - Cổng đến Việt Nam" nhằm giới thiệu cơ hội mới cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, chứng khoán Việt Nam đã tăng khá ấn tượng nhưng với tầm nhìn dài hạn thì cơ hội đầu tư vẫn còn rất lớn.

Đầu tư tại Việt Nam: Cơ hội còn rất lớn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài nhận định, tiềm năng của Việt Nam sẽ được định hình với tốc độ đô thị hóa nhanh, giới thượng lưu ngày càng nhiều, khiến cho thị trường sẽ hấp dẫn hơn.

Trong ngắn hạn, việc cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng và nới room là những vấn đề nóng bỏng, thu hút đông đảo sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội mới

Hội thảo thu hút sự quan tâm của gần 400 nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhiều tổ chức nước ngoài mới. Trong đó có cả những quỹ mới thành lập frontier (quỹ chuyên đầu tư vào thị trường ngoại biên) có quy mô từ 50 - 100 triệu USD, tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế có những bước phục hồi rõ nét. Các nhà đầu tư tài chính nước ngoài không còn thăm dò, mà đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn hạn chế về hàng hóa có chất lượng cao. Hơn nữa, cơ hội sẽ mở ra khi thanh khoản ngày càng tăng và tỷ lệ nới room cho khối ngoại chính thức được mở ra.

Hiện tại rất nhiều mã chứng khoán lớn như VNM, GAS, KDC… được nhà đầu tư ngoại săn đón mua vào hoặc thường xuyên đẩy room. Chỉ cần quyết định nới room được tháo gỡ, chắc chắn dòng tiền ngoại sẽ đổ vào nhiều hơn, thanh khoản sẽ sôi động và hấp dẫn hơn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn SSI, kỳ vọng hội thảo "Cổng đến Việt Nam" là một bức tranh đa chiều và chân thực nhất về môi trường làm việc, kinh doanh và đầu tư đầy triển vọng như Việt Nam.

Một lợi thế đặc biệt là sự ổn định trong chính trị, kinh tế vĩ mô, với dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào, cùng với tốc độ đô thị hóa cao, thị trường tiêu dùng tiềm năng cũng rất lớn.

Theo thông tin từ hội thảo, tính đến ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã phê duyệt chuyển thành đổi 65 DNNN thành công ty cổ phần. Trong đó có 1 tập đoàn là Tập đoàn Dệt may và 1 tổng Công ty 91 là Vietnam Airlines.

Thông tin đặc biệt nhất, là Vietnam Airlines vừa được phê duyệt ngày 10/9 với vốn điều lệ 14.000 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 75%, bán cho cổ đông chiến lược 20% và bán cho cổ đông khác 5%. Đây là những doanh nghiệp nổi bật trong số 432 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014 - 2015.

Vẫn còn rào cản

Với kế hoạch cổ phần hóa đồ sộ mà Chính phủ triển khai, đến nay đã có 253 DNNN đang được xác định giá trị, trong đó 100 DN đã được công bố và khả năng thời gian tới 150 DN được phê duyệt và IPO.

Thống kê đấu giá cổ phần của các công ty, tổng công ty nhà nước trong quý I và quý II/2014 cho thấy, trung bình có 27% số cổ phần chào bán trúng giá. Một số doanh nghiệp chỉ bán được dưới 2% tổng số cổ phần chào bán.

Hiện tại, việc xác định giá trị doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhất là giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế, quyền thuê đất. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược còn nhiều vướng mắc. Nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chưa tích cực, quyết liệt triển khai kế hoạch. Các hành vi cản trở, làm chậm tiến độ cổ phần hóa chưa bị xử lý triệt để...

Theo thống kê, lợi nhuận hợp nhất tại công ty mẹ của 4 tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Viễn thông Quân đội, Bưu chính - Viễn thông và Công nghiệp cao su đã chiếm tới 70% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chứng tỏ hầu hết các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận dưới 10%/năm.

Trong số doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần đây, chưa xuất hiện nhiều đối tượng thuộc danh mục doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao như trên, mà chủ yếu là doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như giao thông - vận tải, xây dựng và một số doanh nghiệp địa phương.

Việc phân chia đối tượng doanh nghiệp cổ phần hóa thành nhiều loại (Nhà nước nắm giữ trên 75% cổ phần, 65%, 50% và dưới 50%) vừa phức tạp về cách phân loại, vừa tạo tâm lý e ngại về quyền kiểm soát quá lớn của Nhà nước sau cổ phần hóa.

Bên cạnh những lợi thế nhất định, thị trường cũng còn những lo ngại về tình trạng nợ xấu, khả năng xử lý nợ xấu khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Ông Trần Du Lịch cho biết vấn đề nợ xấu hiện nay đã trở thành một vấn đề vĩ mô được Chính phủ đẩy mạnh xử lý.

Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của Việt Nam hiện nay chiếm 4,17% tổng dư nợ. Các ngân hàng tích cực cơ cấu lại nợ, đòi nợ, trích lập dự phòng, bán tài sản. Tính đến tháng 8 tổng nợ xấu đã xử lý 210.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 161.000 tỷ (bao gồm cả các nợ xấu mới phát sinh).

Đây cũng có thể là cơ hội để các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia quá trình mua bán nợ xấu. Theo mục tiêu ngân hàng Nhà nước đến hết 2015, nợ xấu toàn hệ thống sẽ xuống dưới 3%.