Đầu tư trong và ngoài nước 10 tháng năm 2014
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước tính đạt 19231 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 3578 tỷ đồng; vốn địa phương 15653 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 165,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,9% kế hoạch năm và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2013, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 35536 tỷ đồng, bằng 89,9% kế hoạch năm và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 4809 tỷ đồng, bằng 106,2% và giảm 8,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2927 tỷ đồng, bằng 84,3% và giảm 6,4%; Bộ Xây dựng 1749 tỷ đồng, bằng 85,9% và tăng 3,6%; Bộ Y tế 788 tỷ đồng, bằng 97,9% và tăng 2,1%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 598 tỷ đồng, bằng 81% và tăng 6,1%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 503 tỷ đồng, bằng 80,5% và tăng 2,7%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 423 tỷ đồng, bằng 93,4% và tăng 3,2%; Bộ Công Thương 279 tỷ đồng, bằng 94,3% và giảm 0,9%; Bộ Khoa học và Công nghệ 234 tỷ đồng, bằng 83,2% và giảm 4,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 217 tỷ đồng, bằng 104,5% và giảm 6,5%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 129675 tỷ đồng, bằng 84,9% kế hoạch năm và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 88927 tỷ đồng, bằng 81,8% và giảm 0,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 32873 tỷ đồng, bằng 90,7% và tăng 4,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7875 tỷ đồng, bằng 99,7% và giảm 1,1%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 19271 tỷ đồng, bằng 82,2% kế hoạch năm và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 13201 tỷ đồng, bằng 91% và giảm 1,6%; Đà Nẵng 3657 tỷ đồng, bằng 80,1% và giảm 8,2%; Nghệ An 3395 tỷ đồng, bằng 96,5% và tăng 7,6%; Bình Dương 3262 tỷ đồng, bằng 73,1% và tăng 14,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu 3188 tỷ đồng, bằng 70,9% và tăng 16,5%; Vĩnh Phúc 3061 tỷ đồng, bằng 86,3% và giảm 5,6%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2014 thu hút 1306 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9954,5 triệu USD, tăng 24,4% về số dự án và giảm 23,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời có 469 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 3747,4 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 13701,9 triệu USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng năm nay ước tính đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 9702,9 triệu USD, chiếm 70,8% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1225,2 triệu USD, chiếm 8,9%; ngành xây dựng đạt 1031,2 triệu USD, chiếm 7,5%; các ngành còn lại đạt 1742,6 triệu USD, chiếm 12,8%.
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 10 tháng, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt 2659,5 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bắc Ninh 1284,6 triệu USD, chiếm 12,9%; Hải Phòng 786,3 triệu USD, chiếm 7,9%; Bình Dương 660 triệu USD, chiếm 6,6%; Quảng Ninh 570,4 triệu USD, chiếm 5,7%; Đồng Nai 557,7 triệu USD, chiếm 5,6%; Hải Dương 345,9 triệu USD, chiếm 3,5%...
Trong số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 10 tháng, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với 2616,1 triệu USD, chiếm 26,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 2192,5 triệu USD, chiếm 22%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) với 1485,8 triệu USD, chiếm 14,9%; Nhật Bản 1003,5 triệu USD, chiếm 10,1%; Đài Loan 452 triệu USD, chiếm 4,5%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 354,3 triệu USD, chiếm 3,6%; Bỉ 277 triệu USD, chiếm 2,8%...