Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Cơ hội và chọn lọc

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng đối với các nước châu Á. Trung Quốc là điển hình từ một quốc gia nông nghiệp nghèo, tụt hậu tiến lên thành một cường quốc kinh tế.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Cơ hội và chọn lọc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế nhưng, các quốc gia châu Á khác có thể tóm lấy thị phần trong chiếc bánh FDI luôn tăng trưởng này từ Trung Quốc, bởi hiện tại chi phí đang tăng cao do tiền lương nhân công tăng, đồng tiền nội tệ mạnh hơn và chuỗi giá trị cũng tăng, đã không còn tạo động lực giữ chân các doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc. Bằng chứng Trung Quốc là quốc gia thu hút dòng vốn FDI lớn nhất thế giới, đã suy giảm 11 tháng trong năm 2012.

Gần đây, phần lớn dòng vốn FDI từ Nhật Bản đã chuyển tới các nước ASEAN để đa dạng hóa rủi ro từ Trung Quốc. Không chỉ Nhật Bản, các công ty từ nhiều nước khác cũng góp phần vào trào lưu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Ấn Độ là một điểm đến hàng đầu khi sở hữu lực lượng khoảng 800 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 -64), trong đó 560 triệu người ở nông thôn (Trung Quốc có khoảng 1 tỷ người trong tuổi lao động, trong đó 500 triệu ở vùng nông thôn).

Tuy nhiên, ở Ấn Độ môi trường kinh doanh phức tạp, chính sách FDI hạn chế, cơ sở hạ tầng nghèo nàn… nên các doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sang Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Philippines và Việt Nam là 2 nước có lực lượng lao động lớn và thị trường đủ lớn để duy trì nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Dự báo trong 7 năm tới, dân số Philippines sẽ tăng lên 110 triệu người từ 96 triệu năm 2012. Việt Nam có dân số nhỏ hơn (89 triệu), nhưng nguồn cung lao động mạnh mẽ và rẻ ở khu vực nông thôn (khoảng 70% dân số sống ở nông thôn), cho thấy có lợi thế về sản xuất cần nhiều lao động.

Việt Nam có mô hình đặt trọng tâm xuất khẩu tương tự với Trung Quốc và đặt mục tiêu thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất thông qua chính sách và các ưu đãi một cách mạnh mẽ hơn Philippines. Người khổng lồ trong lĩnh vực điện tử là Intel đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam năm 2009, cho thấy họ đã nhìn thấy tiềm năng lao động có tay nghề. Để đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra, Intel đã gửi các nhân công Việt Nam qua các cơ sở khác ở châu Á như một phần của chiến lược tuyển dụng.

Hiện Việt Nam là nước lớn đứng thứ hai về thu hút FDI tại Đông Nam Á, sau Singapore. Thành quả này có được là do Việt Nam có nguồn lao động rẻ nhất trong số các nước Đông Nam Á và môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia.

Trong vài năm qua, Việt Nam đã phần nào đánh mất hào quang trong khu vực do lạm phát không ổn định và quản lý kém hiệu quả, làm dòng vốn FDI chậm lại, nhưng vẫn là một đất nước phát triển mạnh mẽ so với quy mô quốc gia. Việc Nhật Bản tăng nhanh đầu tư vào Việt Nam được xem là dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng trong tương lai. Năm 2011, đầu tư của Nhật Bản chiếm 25% dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhưng đến tháng 10-2012 con số này đã tăng tới 58%.

Theo một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn do chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động dồi dào và ổn định về mặt chính trị, chỉ thua Trung Quốc và Thái Lan về kết nối với các thị trường trong khu vực.

Xét về môi trường kinh doanh, Thái Lan là một trong những quốc gia cạnh tranh nhất ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia. Liên kết đến các thị trường khu vực của Thái Lan rất mạnh, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng khá và trình độ tay nghề cao.

Tuy nhiên, dù Thái Lan đã là một trung tâm sản xuất được thành lập cho các nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng các công ty Nhật vẫn đang ngày càng tìm cách chia sẻ rủi ro như chính trị và lũ lụt sang các nước khác. Ngoài ra, chi phí lao động tại Thái Lan đang cao hơn so với các nước Đông Nam Á khác. 

Thuận lợi và cơ hội đã thấy rõ cho Việt Nam, do vậy vấn đề đặt ra là phải biết chọn lọc để tránh “sập bẫy” FDI. Bởi các công ty đa quốc gia đầu tư không có động cơ giúp đỡ nước chủ nhà phát triển. Dòng vốn sẽ tự nhiên chảy vào những quốc gia nào có môi trường thuận lợi, có các ưu đãi về thuế và thương mại; có các khu công nghiệp, nhân công giá rẻ, tiếp cận thị trường…

Nếu chúng ta cung cấp tất cả những lợi ích đó mà không phân tích cẩn thận thâm nhập của một công ty nước ngoài, có thể chỉ thu được những kết quả có hại, sẽ chèn ép các ngành công nghiệp non trẻ trong nước, một số công ty đa quốc gia có thể sẽ rời bỏ nước chủ nhà một khi những lợi thế biến mất và nước chủ nhà sẽ chịu nhiều thua thiệt giống như tình trạng chuyển giá mà Việt Nam đang vấp phải...