Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp nông thôn
“Hoạt động khuyến công đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp nông thôn (CNNT) nói riêng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao dần tăng lên”. Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công năm 2021 vừa diễn ra.
Đẩy mạnh tái cơ cấu theo chiều sâu
Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chương trình khuyến công năm 2021 tiếp tục khắc phục những khó khăn, thách thức, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất.
Trên thực tế, sản xuất CNNT vẫn đóng góp vào mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, trong đó có đóng góp không nhỏ của chương trình khuyến công quốc gia. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng. Quy mô sản xuất công nghiệp tại địa phương liên tục được mở rộng.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, các hoạt động khuyến công đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao dần được tăng lên. Việc thúc đẩy mối liên kết vùng, liên kết địa phương và doanh nghiệp thông qua các hoạt động, nội dung liên quan đến khuyến công giúp nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho nhiều ngành sản xuất tại địa bàn nông thôn.
Cùng với đó, công nghệ tiên tiến hiện đại đã được hỗ trợ ứng dụng vào sản xuất chế biến, ngày càng mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển bền vững và từng bước tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT được quan tâm triển khai sâu rộng, các sản phẩm tiêu biểu được thị trường đón nhận và đưa vào hệ thống các kênh phân phối lớn trên cả nước, tạo động lực quan trọng cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu.
Tập trung 7 nhóm nhiệm vụ
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, thực tế cho thấy công tác triển khai chương trình khuyến công quốc gia vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trước hết, phát triển CNNT chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại nhiều địa phương chưa hình thành được ngành công nghiệp đóng vai trò nền tảng, chủ yếu vẫn là các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng thấp. Phần lớn cơ sở CNNT vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường không cao.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến tại khu vực nông thôn dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung vẫn ở mức trung bình hoặc thấp. Các nguồn lực về vốn, về công nghệ, năng lực quản trị, tiếp cận với thị trường nước ngoài còn hạn chế. Và đặc biệt nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách các cấp cho hoạt động khuyến công còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia đầu tư, phát triển sản xuất của nhiều cơ sở CNNT.
Để đẩy mạnh công tác khuyến công trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng cần tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, cán bộ, viên chức, công chức toàn ngành công thương, tổ chức hệ thống khuyến công từ Trung ương đến địa phương tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh các nội dung của hoạt động khuyến công, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Thứ hai, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh.
Thứ ba, chủ động nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, gắn với quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng công tác chuyển đổi số và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, tiếp tục rà soát chính sách pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương.
Thứ năm, phát huy hơn nữa công tác thông tin truyền thông, giới thiệu chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đến các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT để gia tăng số lượng đơn vị tham gia và được cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đã đoạt giải qua các kỳ bình chọn để doanh nghiệp có định hướng chủ động trong sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đa dạng, cải tiến về mẫu mã để ngày càng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thứ sáu, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Sở Công thương để triển khai các Đề án nhiệm vụ khuyến công, cần lưu ý đến kỹ năng thực hiện các dịch vụ công.
Cuối cùng, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công, thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm phát triển các hoạt động khuyến công và đẩy mạnh các phong trào thi đua, khen thưởng tôn vinh, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động khuyến công.