Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu
Phát biểu tại buổi thảo luận ở Tổ 12 sáng ngày 25/5/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có thể gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực.
Sáng ngày 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ tán thành với báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các ý kiến thảo luận quan tâm tới các vấn đề liên quan tới hệ thống y tế cơ sở, công tác giáo dục đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên, công tác hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra tại các cái địa phương, vấn đề an toàn giao thông đường sắt, đầu tư mạng lưới điện vùng nông thôn...
Cũng tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và việc phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020.
Đánh giá về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, các đại biểu cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nội dung của Chương trình được Chính phủ triển khai kịp thời như: chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng,…Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại cuộc thảo luận tại Tổ 12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng nhắc tới mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 sẽ là 8,5%, đây là thách thức rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu hiến kế cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng này.
Chủ tịch Quốc hội đề cập vấn đề một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội về gói kích thích 347.000 tỷ đồng, riêng đầu tư cho các lĩnh vực đầu tư công, hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế chiếm hơn 200.000 tỷ đồng nhưng hiện nay "chưa phân bổ được đồng nào" trong khi thời gian chỉ có 2 năm. Như vậy, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt chính là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Bởi việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo.
Cho ý kiến đối với việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật. Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.