Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai
Báo cáo tham luận tại Hội nghị về công tác triển khai thi hành Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ, trong năm 2024 sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Xây dựng kịch bản nguồn nước; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và triển khai thực hiện Đề án thí điểm phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết”.
Luật Đất đai - thành công mang tính tích lũy, bền bỉ, kiên trì, công phu, trách nhiệm, trí tuệ của toàn xã hội
Trình bày Báo cáo tham luận về công tác triển khai thi hành Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước. Đây là đạo luật với nhiều điểm mới, bước tiến lớn trong phương thức quản trị hiệu quả, bền vững tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; thay đổi tư duy, phương thức quản lý, quản lý tổng hợp, thống nhất, bằng công cụ kinh tế trên nền tảng công nghệ số và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.
Đặc biệt, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, dự án Luật Đất đai đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước. Quá trình xây dựng dự án Luật thể hiện ý chí thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu, rộng đã thu hút trên 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của Nhân dân. Đây là thành công mang tính tích lũy, bền bỉ, kiên trì, công phu, trách nhiệm, trí tuệ của toàn xã hội, trong đó nổi bật là vai trò của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.
Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, tài nguyên nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phù hợp với từng đối tượng
Sau khi Luật được ban hành thì công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả. Với tinh thần đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Bộ đã xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành 2 đạo luật nêu trên, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.
Đối với Luật Tài nguyên nước, theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 5 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước, gồm: 2 Nghị định và 3 Thông tư. Bộ đã khẩn trương hoàn thành xây dựng các văn bản này theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Đối với các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Bộ cũng đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư, dự kiến sẽ ban hành các Thông tư này trong tháng 5 năm 2024.
Đối với Luật Đất đai, theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản, gồm 6 Nghị định và 4 Thông tư, Bộ Tài chính được phân công chủ trì soạn thảo 3 văn bản, gồm 2 Nghị định và 1 Thông tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công chủ trì soạn thảo 1 Nghị định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được phân công chủ trì soạn thảo 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ được phân công chủ trì soạn thảo 1 Thông tư. HĐND, UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ ban hành các văn bản quy định hướng dẫn chi tiết đã được giao trong luật. Hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương xây dựng theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong tháng 5/2024. Riêng đối với Nghị định về hoạt động lấn biển sẽ được trình trong tháng 3/2024 theo trình tự thủ tục rút gọn để có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024 theo đúng hiệu lực được quy định trong luật.
Thứ hai, về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.
Ngay sau khi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương cung cấp các điểm mới, những nội dung cơ bản của Luật Đất đai để phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước bằng nhiều hình thức phù hợp. Đặc biệt, ngày 6/3/2024, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước với nhiều hình thức đến nhiều người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai để các chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai được phổ biến sâu rộng trong Nhân dân. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước đến các hội viên.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, tài nguyên nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp đối với từng đối tượng. Trước mắt, trong Quý I và Quý II/2024 mở đợt phổ biến, tuyên truyền Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước rộng rãi trước khi 2 đạo luật này có hiệu lực thi hành và tiếp tục vào các năm tiếp theo.
Thứ ba, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp, phối hợp với bộ, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước; rà soát, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.
Thứ tư, triển khai các Đề án thí điểm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng hai Đề án thí điểm, gồm Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy; giảm thiểu ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê để trình cấp có thẩm quyền sớm nhất, bảo đảm tiến độ.
Thứ năm, một số nội dung trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2024. Đó là:
Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng phương án tổng thể với các giải pháp, nguồn lực thực hiện khả thi và tổ chức triển khai thực hiện phương án cụ thể để hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố. Xây dựng kịch bản nguồn nước; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và triển khai thực hiện Đề án thí điểm phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết”.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước.