Để các khu kinh tế ven biển Việt Nam phát triển như kỳ vọng
(Tài chính) Với mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển trên cả nước đóng góp từ 53%-55% GDP quốc gia và 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cho thấy vai trò hết sức quan trọng của khu kinh tế ven biển trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đang cần những yêu cầu phát triển mới, đòi hỏi phải có tư duy đột phá.
Thực trạng
Kể từ sau khi khu kinh tế ven biển đầu tiên, KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) được thành lập vào tháng 6/2003 đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 15 khu kinh tế ven biển, với tổng diện tích đạt 697.800 ha. Với địa hình đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam được bố trí trải dài, phân bổ đều khắp các tỉnh, thành phố, trên cả 03 miền Bắc, Trung, Nam.
Xét về tổng thể, các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam hiện nay có những điều kiện thuận lợi cơ bản sau:
- Có vị trí địa lý, tự nhiên thuận lợi, tạo ra lợi thế so sánh trong mối tương quan so với các vùng, miền, địa phương xung quanh.
- Có nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung nhiều hơn các nơi khác, cùng với chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, viễn thông khá hoàn chỉnh.
- Cơ chế chính sách dành cho khu kinh tế ven biển thông thoáng, với khá nhiều điều kiện ưu đãi về thuế, giao đất…
- Có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, như: thu hút các nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, dịch vụ hậu cần logistics…
Tuy nhiên, sự phát triển các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất, hiệu quả đem lại từ các khu kinh tế ven biển chưa thực sự rõ nét. Sự phát triển của các khu kinh tế ven biển vẫn diễn ra với tốc độ chậm, chưa tạo nên động lực thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển và tạo động lực đưa nền kinh tế đất nước đi lên.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, tỷ lệ chiếm đất phục vụ các dự án sản xuất, kinh doanh trong các khu kinh tế ven biển mới đạt 9%, tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 6-8 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách hàng năm chỉ khoảng 500-600 triệu USD. Đó mới chỉ là con số trung bình cho tất cả 15 khu kinh tế ven biển.
Thứ hai, có tình trạng chạy đua phát triển theo kiểu phong trào, bùng nổ theo một giai đoạn phát triển nhất định, dẫn đến sự phân tán các nguồn lực đầu tư, không đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển (cả vốn trung ương và vốn địa phương), thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, cơ chế chính sách thiếu tính đồng bộ…
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2003-2005 mới có 03 khu kinh tế ven biển, thì sang giai đoạn 2006-2008 có đến 11 khu kinh tế ven biển được thành lập. Đây là giai đoạn ghi nhận sự bùng nổ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung, các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam nói riêng, đều chịu tác động, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo theo sự sụt giảm mạnh của các nguồn lực đầu tư (cả trong nước và ngoài nước). Tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng có sự sụt giảm từ mức 6,18% năm 2008 xuống 5,32% năm 2009 và hiện nay vẫn duy trì ở mức thấp, chưa thể khôi phục về mức của năm 2008 và các năm trước đó.
Thứ ba, mới chỉ có số ít khu kinh tế ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời gian tới. Điển hình như KKT Chu Lai (Quảng Nam) đã có sân bay quốc tế Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà, các tuyến đường đấu nối với hệ thống giao quốc gia, như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất… KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) đã có Sân bay Cát Bi, Cảng quốc tế Lạch Huyện, hệ thống các khu công nghiệp được quy hoạch, hệ thống giao thông kết nối, nằm trong hành lang vành đai kinh tế ven biển… và một số khu kinh tế ven biển khác có điều kiện thuận lợi tương tự như vậy.
Tuy nhiên, phần lớn các khu kinh tế ven biển khác vẫn đang trong tình trạng mới hoàn thành quy hoạch chung và đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật… và phải đối mặt vói những thách thức về xã hội như phát triển bền vững, đô thị hóa, chuyển đổi có cấu ngành nghề…
Thứ tư, việc đầu tư vốn nhà nước vào phát triển 15 khu kinh tế ven biển đang dẫn tới sự dàn trải, phân tán các nguồn lực, hiệu quả đầu tư thấp. Hầu hết các khu kinh tế ven biển đều được thành lập dựa trên việc phát huy yếu tố bên trong và kỳ vọng với các tiềm năng sẵn có, cùng với đầu tư của Nhà nước… Trong điều kiện phát triển hiện nay, kỳ vọng như thế không còn phù hợp.
Cần lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển
Gần đây, Chính phủ quyết định chọn 05 khu kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng để ưu tiên tập trung đầu tư, với hy vọng sẽ tạo ra được các khu kinh tế ven biển phát triển năng động, là động lực phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, từ đó, lan tỏa ra các vùng, địa phương xung quanh.
Hơn nữa, việc làm này sẽ hạn chế dần việc đầu tư dàn trải như trước đây. Việc tập trung các nguồn lực cho một số khu kinh tế ven biển có chọn lọc là một quyết định đúng đắn trong thời điểm hiện nay.
Đây là một chủ trương phù hợp với điều kiện, khả năng của Việt Nam nhằm tạo ra sự tập trung, có trọng tâm, trọng điểm về đầu tư phát triển, tránh được tình trạng dàn trải trước đây.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư phát triển bao gồm: (1) KKT Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi); (2) KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); (3) KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa); (4) KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh); (5) KKT Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang).
Nhóm các khu kinh tế ven biển được lựa chọn đều có lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, hàng hải, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, phát triển kinh tế biển, du lịch biển, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung…
Cùng với đó, các khu kinh tế ven biển cũng sẽ được tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, hệ thống sân bay, cảng biển… đồng bộ. Đồng thời, có chính sách cũng là động lực tác động quan trọng để tạo đà cho các khu kinh tế ven biển phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để mô hình khu kinh tế ven biển có thể phát triển một cách bền vững, cùng với tăng cường cải thiện điều kiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường thu hút đầu tư…, cũng cần phải quan tâm xem xét thêm những yếu tố sau:
Một là, phải đánh giá được chính xác các điều kiện thuận lợi sẵn có của các khu kinh tế ven biển trong việc tạo động lực, nhu cầu phát triển cho bản thân khu kinh tế ven biển đó và cho cả các vùng lân cận.
Nói cách khác, một khu kinh tế ven biển phải tạo ra được nhu cầu cho vùng, miền xung quanh nó phát triển, nhu cầu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư để thu được lợi ích. Có như vậy, thì việc đầu tư của Nhà nước vào khu kinh tế ven biển mới không bị lãng phí, không dàn trải và phát huy được hiệu quả đầu tư.
Theo đó, các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam phải có được mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt và đường không đồng bộ, liên thông với mạng giao thông quốc gia và quốc tế. Nhà đầu tư phải nhìn thấy được các khu kinh tế ven biển là “cửa ngõ” cho hàng hóa và dịch vụ, không chỉ của Việt Nam, mà còn của khu vực ASEAN và thế giới, có thế mạnh trọng việc kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư với khu vực và thế giới.
Theo quan điểm đó, sự phát triển của KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) phải tạo ra được nhu cầu phát triển cho khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời, tạo nhu cầu phát triển cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á về sản xuất và lưu thông hàng hóa, phát triển các ngành kinh tế biển.
Các khu kinh tế ven biển khu vực miền Trung, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi)… phải tạo ra được nhu cầu phát triển cho toàn bộ các địa phương miền Trung, khu vực Tây Nguyên, cho các nước Lào, Campuchia, Thái Lan… về thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biển… KKT Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang) phải tạo được nhu cầu phát triển cho khu vực Đồng bằng Nam Bộ, cho các nước trong khu vực về hợp tác, phát triển, thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biển…
Hai là, cần xác định được hướng phát triển có thế mạnh của mỗi một khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư, không nên đầu tư phát triển tất cả các lĩnh vực. Từ đó, có thể lựa chọn nhà đầu tư, gắn bó nhu cầu và quyền lợi nhà đầu tư vào phát triển các khu kinh tế ven biển.
Việc đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển không thể tiến hành theo trình tự là: cứ tự quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, thậm chí kêu gọi các nguồn lực từ bên ngoài vào đầu tư theo các hình thức BOT, BT, PPP…, sau đó, lại kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Thực tế đã chứng minh, chỉ cần lựa chọn sai nhà đầu tư, nhà thầu thi công, nhà cung cấp thiết bị không đạt chuẩn, hậu quả sẽ rất lớn, làm chậm tiến độ phát triển. Thay vào đó, ta có thể thông qua đàm phán, thương lượng để tìm kiếm, lựa chọn và trao quyền đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển cho một, hoặc một nhóm các nhà đầu tư tiềm năng, tiến hành đầu tư phát triển từ đầu theo một định hướng có thể chấp nhận được.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể tham gia quy hoạch, định hướng, tập hợp những nhóm các nhà đầu tư khác nhau, thảo luận xem nên phát triển khu kinh tế ven biển này theo hướng nào là tốt nhất, mở cửa cho nhà đầu tư đó vào tham gia đầu tư theo định hướng phát triển cụ thể.
Ba là, chính quyền các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác quản lý và quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu - phát triển (R&D) tại các cơ quan hành chính công.
Cơ chế chính sách hiện nay áp dụng cho các khu kinh tế ven biển tập trung chủ yếu vào chính sách ưu đãi thuế và ưu đãi về đất đai. Song, bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và việc quản lý doanh nghiệp sử dụng đất vẫn còn rất lỏng lẻo.
Hiện tượng doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, chuyển giá, trốn thuế, lãng phí đất đai vẫn diễn ra nhiều và khó quản lý. Một bộ phận nhà đầu tư tại các khu kinh tế ven biển hiện nay có thể thoải mái để đất bỏ hoang nhiều năm không tiến hành đầu tư vẫn không bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đã hưởng lợi từ ưu đãi thuế hoặc có hành vi chuyển giá để trốn thuế.
Vấn đề này tiếp tục gây thất thu thuế hàng năm rất lớn cho Việt Nam, chưa nói tới hậu quả lâu dài của tình trạng lãng phí các nguồn lực, nhất là đất đai. Do đó, chính quyền địa phương cần tập trung nâng cao năng lực quản lý, nâng cao năng lực khai thác, tìm kiếm nhà đầu tư.
Đồng thời, đẩy mạnh vào lĩnh vực R&D, với các chính sách phát triển các mô hình vườn ươm công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất… trong các khu kinh tế ven biển, với mục tiêu là tạo nên các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào R&D, chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu ra khỏi thị trường.
Thực tế cho thấy, đầu tư vào khoa học, công nghệ tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Nhưng, nếu đầu tư bài bản, cơ chế khuyến khích rõ ràng, thì tác dụng của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn; tăng năng suất và chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu, nâng cao năng suất lao động; tăng hiệu quả khai thác kinh tế biển đảo, du lịch sinh thái.../.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2008). Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008 phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020
2. Thủ tướng Chính phủ (2012). Công văn số 1231/TTg-KTTH, ngày 17/8/2012 về Đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư giai đoạn 2013-2015
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012). Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở Việt Nam, ngày 17/2/2012
4. Vũ Thành Tự Anh (2012). Đánh giá mô hình khu kinh tế ven biển ở Việt Nam: Thực tiễn ở Việt Nam và Kinh nghiệm quốc tế, Tham luận tại Hội thảo "Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam", Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Hải Phòng, ngày 18-19/11/2011