Để chiếm lĩnh thế giới, Trung Quốc cần "thông minh" hơn
Lực lượng lao động trình độ thấp là trở ngại lớn cho nguyện vọng cạnh tranh công nghệ với Mỹ của Trung Quốc.
Nhiều nhà đầu tư và kinh tế học tin rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, lịch sử đương đại đã chứng minh rằng quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế mới nổi lên một nền kinh tế phát triển không phải là tự động. Tình trạng can thiệp quá mức, phụ thuộc vào nợ, năng suất thấp và phân bổ nguồn lực yếu là những yếu tố khiến Trung Quốc phải chật vật trên con đường chuyển đổi như nhiều quốc gia trước đây.
Có lẽ trở ngại tiềm tàng nghiêm trọng nhất nhưng vẫn chưa ai thừa nhận là nguồn lực con người yếu kém. Lực lượng lao động Trung Quốc chưa được trang bị đầy đủ để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 do thiếu trình độ và tay nghề.
Điều này dường như khá nực cười. Trung Quốc không phải là quốc gia sản sinh ra những đứa trẻ với điểm toán cao chót vót và đào tạo ra một "đội quân" kỹ sư mỗi năm ư? Đúng. Nhưng đội ngũ này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong lực lượng lao động toàn quốc. Theo một đợt kiểm tra dân số quy mô rộng hơn, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, nền giáo dục của Trung Quốc khá tụt hậu so với nhiều quốc gia khác.
Theo một nghiên cứu phân tích dữ liệu điều tra dân số Trung Quốc vào năm 2015 của Đại học Stanford và Đại học Thiểm Tây Trung Quốc, khoảng 30% lực lượng lao động toàn quốc, gồm người trưởng thành trong độ tuổi 25-64, có bằng cấp ba. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là thước đo hợp lý để xác định kỹ năng của người lao động và khả năng học hỏi kỹ năng mới khi đi làm của họ.
Tỉ lệ này thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển với tỉ lệ trung bình là 78%. Ở các nước phát triển hàng đầu, bao gồm Mỹ, Đức và Nhật, con số này là 90%.
Đương nhiên Trung Quốc nghèo hơn các quốc gia đó, do đó, sự chênh lệch này không quá bất ngờ. Tuy nhiên, so với nhiều nền kinh tế mới nổi khác đã từng chuyển mình thành công như Hàn Quốc và Singapore, tỉ lệ này tại Trung Quốc vẫn thấp hơn rất nhiều. Trước khi "bứt phá", vào năm 1980, tỉ lệ tốt nghiệp cấp ba trung bình tại những quốc gia này là khoảng 72%.
Trung Quốc cũng khó đứng ngang hàng với nhiều đối thủ thu nhập trung bình của mình. Ví dụ, 46% dân số trong độ tuổi lao động của Brazil đã tốt nghiệp cấp ba, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico lần lượt là 36% và 46%.
Số liệu này tại Trung Quốc đáng báo động. Để trở thành một quốc gia sáng tạo, lực lượng lao động cần có kỹ năng hoạt động trong những ngành công nghiệp tiên tiến của tương lai. Như vậy, hàng triệu người lao động Trung Quốc sẽ không phù hợp làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao đang được chú trọng phát triển.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận rõ khiếm khuyết này và đã bắt đầu đầu tư khắc phục. Kết quả khá hứa hẹn. Tỉ lệ thanh niên trong độ tuổi 25-34 tốt nghiệp cấp ba là 47%, cao hơn thế hệ trước đó. Ở nhóm tuổi 15-17, tỉ lệ này là 80%. Rõ ràng, lực lượng lao động tương lai của Trung Quốc sẽ có trình độ giáo dục cao hơn hiện nay.
Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, Trung Quốc còn phải vượt qua một quãng đường dài mới có thể bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến. Hơn thế nữa, theo nghiên cứu nói trên, Trung Quốc cũng cần cải thiện các lĩnh vực y tế, dinh dưỡng và một số lĩnh vực phát triển trẻ em khác, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, để đảm bảo khả năng tiếp thu của thế hệ trẻ của đất nước khi bước vào cấp ba.
Bên cạnh đó, đội ngũ lao động lớn tuổi thiếu kỹ năng sẽ là một gánh nặng cho nền kinh tế. Chỉ 22% số người lao động Trung Quốc trong độ tuổi 45-54 đã tốt nghiệp cấp ba. Lo ngại rằng những người lao động không đủ khả năng làm việc trong các ngành tiên tiến dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều nhà hoạch định chính sách đã tiêu tốn khoản tiền "không tên" trị giá hàng tỉ nhân dân tệ nhằm nuôi dưỡng những doanh nghiệp nhà nước yếu kém để giữ việc làm cho họ. Điều này làm giảm năng suất và cản trở khu vực tài chính tư nhân.
Trung Quốc còn phải đối mặt với nguy cơ "bẫy thu nhập trung bình". Các quốc gia "dính bẫy" không thể phát triển lực lượng lao động đủ khả năng cạnh tranh với những tài năng từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời đánh mất lợi thế chi phí vào tay các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn.
Lực lượng lao động trình độ thấp còn có thể là trở ngại trong kế hoạch thách thức nền công nghệ Mỹ, dù đã có hỗ trợ từ chính phủ và sự bảo hộ từ một số ngành công nghiệp khác. Điều này có thể cản trở sự phát triển chung của Trung Quốc. Theo kết luận từ nghiên cứu trên, Trung Quốc cần phải nâng cao trình độ nguồn lực con người nếu muốn đạt được mức thu nhập cao.