EU gia hạn thêm 5 năm thuế chống bán phá giá với xe đạp Trung Quốc
Xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị Liên minh châu Âu áp thuế chống bán phá giá từ năm 1993, hiện, mức thuế này đã lên tới 48,5%.
Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn thuế chống bán phá giá thêm 5 năm đối với xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc.
Quyết định này đã được đăng trên công báo của EU ngày 29/8, sau khi liên minh này kết luận rằng việc dỡ bỏ các biện pháp trên có thể dẫn tới tràn ngập hàng nhập khẩu.
Xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp thuế chống bán phá giá từ năm 1993. Hiện mức thuế này đã lên tới 48,5%.
Việc gia hạn thuế trên là động thái mới nhất trong một loạt biện pháp của EU chống hàng nhập khẩu của Trung Quốc, từ pin năng lượng Mặt Trời đến thép, làm dấy lên sự phản đối kịch liệt từ phía Bắc Kinh.
Tháng Một vừa qua, EU cũng đã quyết định áp thuế lên tới 79,3% đối với xe đạp điện của Trung Quốc. Bắc Kinh khi đó đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước động thái này và sẽ cân nhắc biện pháp đáp trả.
Từ năm 2013, các biện pháp thuế đánh vào xe đạp thường cũng đã được áp với xe nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Tunisia, và từ năm 2015 đối với xe nhập khẩu từ Campuchia, Pakistan và Philippines, với một số ngoại lệ.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết mặt hàng nhập khẩu này chủ yếu là xe của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các mức thuế trên không áp dụng với hãng Giant của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới có cơ sở sản xuất ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục và Hà Lan.
Công ty này đã thắng trong vụ kiện về thuế chống bán phá giá của EU năm 2017.
Người tiêu dùng EU mua khoảng 18 triệu chiếc xe đạp mỗi năm, với hơn 60% từ các nhà sản xuất nội khối. Xe nhập khẩu Trung Quốc chỉ chiếm 4% thị phần EU, trong khi các nước khác chiếm khoảng 17%.
Xe đạp cũng được xác định là một ngành sản xuất chủ chốt trong kế hoạch 5 năm hiện nay của Trung Quốc và sáng kiến Made in China (Sản xuất tại Trung Quốc) 2025.
Giới chức nước này hiện chưa bình luận gì về động thái gia hạn thuế của EU.
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe đạp châu Âu hoan nghênh quyết định trên, cho rằng không có các biện pháp này, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc sẽ đẩy các nhà sản xuất EU ra khỏi chính thị trường của mình như đã làm tại Mỹ và Nhật Bản.
Ngành công nghiệp này tại EU, gồm hơn 900 doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ, có doanh thu 12 tỷ euro, tuyển dụng 100.000 nhân công trực tiếp và gián tiếp.