Tỉnh Phú Yên:
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng đến nay, hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Còn nhiều tồn tại
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, từ năm 2019-2021, toàn tỉnh Phú Yên tiếp nhận hơn 239.240 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đã giải quyết hơn 235.000 hồ sơ, đang tiếp tục giải quyết gần 4.240 hồ sơ (trong đó có 2.227 hồ sơ còn tại UBND cấp xã).
Đến nay, toàn tỉnh cấp được 573.189 GCNQSDĐ lần đầu, với diện tích hơn 366.955ha, đạt gần 98,5%. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt gần 97,9%; đất lâm nghiệp gần 98,8%; đất ở tại nông thôn hơn 98,6%; đất ở tại đô thị gần 99,4%; đất chuyên dùng gần 99,8%; đất tôn giáo, tín ngưỡng hơn 92,2%.
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: Công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ lần đầu tiến độ thực hiện còn chậm, còn nhiều thửa đất chưa kê khai đăng ký, một số hồ sơ UBND cấp xã xác định các thông tin về đối tượng sử dụng đất, nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất chưa đúng.
Việc hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính của UBND cấp xã, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) có một số hồ sơ chưa rõ ràng, có trường hợp bổ sung nhiều lần gây phiền hà cho công dân. Công tác cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính tại UBND cấp xã, chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ chưa đầy đủ, thường xuyên. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký, cấp GCNQSDĐ lần đầu trễ hẹn chủ yếu tại công đoạn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã và các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ…
Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh kiến nghị: Sở Tài nguyên - Môi trường cần bổ sung một số thủ tục hành chính còn thiếu, lồng ghép các thủ tục kép tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Sở Tài nguyên - Môi trường cũng cần tổ chức tập huấn để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã. Huyện đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường có hướng dẫn gộp toàn bộ các tờ bản đồ địa chính dạng số qua các thời kỳ với bản đồ đo đạc cơ sở dữ liệu để thực hiện phân mảnh, đánh số.
Hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp đề nghị tách thửa các thửa đất nằm trong khu vực quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, khu trung tâm xã, thị trấn bảo đảm về diện tích kích thước nhưng không phù hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch đường giao thông; hướng dẫn cụ thể các trường hợp chủ sử dụng đất có hộ khẩu ngoài địa phương đăng ký cấp GCNQSDĐ lần đầu, nguồn gốc sử dụng đất là nhận tặng cho, thừa kế, nhận chuyển nhượng hoặc khai hoang có phải chuyển sang hình thức thuê đất hay không. Trường hợp người sử dụng đất gia hạn thời gian sử dụng đất nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì có tiếp tục được gia hạn hay chuyển sang hình thức thuê đất…
Tiếp tục có giải pháp phù hợp
Còn theo ông Phạm Trung Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, để thực hiện tốt công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, UBND huyện đề xuất giao lại chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cho UBND cấp huyện quản lý, điều hành như trước đây, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết những vấn đề ách tắc, chậm làm thủ tục trong việc cấp GCNQSDĐ hiện nay tại địa phương.
Hiện cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình Văn phòng ĐKĐĐ một cấp, trong đó có Phú Yên. Ông Đặng Ngọc Anh - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Đến nay, 4/9 UBND cấp huyện gồm Sơn Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh đề nghị giao lại chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cho UBND cấp huyện quản lý. Riêng UBND huyện Tây Hòa đề xuất vẫn giữ mô hình Văn phòng ĐKĐĐ một cấp. Còn lại 4 địa phương gồm TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và huyện Tuy An chưa có ý kiến đối với nội dung này.
Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên đề xuất UBND Tỉnh giao lại chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cho UBND cấp huyện quản lý như trước đây để thống nhất công tác phối hợp khi giải quyết thủ tục hành chính cho hộ gia đình, cá nhân tốt hơn; thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành về công tác đảng, chính quyền tại địa phương; chi nhánh có trụ sở nằm tại địa phương sẽ thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức lại mô hình hoạt động Văn phòng ĐKĐĐ một cấp trong thời gian đến.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục thực hiện các giải pháp mà UBND tỉnh đã chỉ đạo và khắc phục những tồn tại trong việc cấp GCNQSDĐ. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng ĐKĐĐ với các cơ quan liên quan khi giải quyết hồ sơ đăng ký, cấp GCNQSDĐ, đăng ký biến động phù hợp với quy định và tình hình sử dụng đất tại địa phương.
Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp xã, chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thực hiện nhiệm vụ kê khai đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ theo nhu cầu của công dân. Viên chức tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn công dân tận tâm, nhẹ nhàng, thực hiện hiệu quả nội dung 4 xin (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép) và 4 biết (biết chào, biết cười, biết quan tâm, biết chia sẻ) khi tiếp xúc với công dân, hướng dẫn các thủ tục hành chính đúng theo quy định, không được hướng dẫn chung chung, qua loa, đại khái để công dân đi lại nhiều lần. Khẩn trương giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn tại chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ, nhất là những hồ sơ đã trễ hẹn nhiều ngày.
Đối với hồ sơ trễ hẹn, phải thông báo tiến độ giải quyết hoặc gửi thư xin lỗi để công dân biết nguyên nhân. Kịp thời hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện kê khai, đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ. Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, rà soát lại những quy chế phối hợp để có đề xuất, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp. Sở Nội vụ cần sớm phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở, ngành, địa phương tổ chức đánh giá mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án phù hợp nhất.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, kế hoạch cấp GCNQSDĐ trong năm 2022 của tỉnh là tiếp tục kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc các thửa đất còn lại phát sinh thêm chưa kê khai đăng ký, trong đó cấp mới (lần đầu) khoảng 7.000 hồ sơ (thửa đất); cấp đổi, cấp lại, đăng ký biến động theo nhu cầu của người sử dụng đất.