Để không còn “đất” cho khủng bố quốc tế
(Tài chính) Tài trợ khủng bố là nguồn cung cấp cơ sở tài chính cho các hoạt động khủng bố trên thế giới. Do vậy, chống tài trợ khủng bố chính là biện pháp để ngăn chặn nguồn sinh tồn và đảm bảo rằng không còn "đất sống" cho các tổ chức khủng bố.
Thách thức trên quy mô toàn cầu
Hoạt động khủng bố dù ở đâu và quy mô ra sao cũng đều gây ảnh hướng tới các hoạt động kinh tế và phát triển nói chung. Vì vậy khủng bố đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng với các quốc gia và cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu.
Thêm vào đó, hoạt động tài trợ cho các tổ chức khủng bố vẫn diễn ra và ngày càng tinh vi, phân tán và phức tạp hơn. Tiền đang “luồn lách” tìm cách chạy vào túi các tổ chức khủng bố trên toàn thế giới qua rất nhiều kênh mà điển hình là ngân hàng, các hệ thống chuyển tiền khác nhau thậm chí là các quỹ, các tổ chức từ thiện và thường thông qua trung gian.
Do vậy, chống tài trợ khủng bố vừa là thách thức vừa là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngăn chặn tài trợ khủng bố là cách duy nhất ngăn chặn các khoản tiền hỗ trợ, làm cạn kiệt nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố và góp phần chấm dứt các hoạt động khủng bố. Để thực hiện được nhiệm vụ này thì cần đến sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các quốc gia trên phạm vi quốc tế.
Khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố
Góp sức vào cuộc đấu tranh quốc tế chống tài trợ khủng bố, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa ra các khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố nhằm phát hiện, ngăn chặn và trấn áp các hành động khủng bố và tài trợ khủng bố.
Phê chuẩn và thực hiện các công cụ của Liên Hợp Quốc
Mỗi quốc gia cần tiến hành ngay các bước để thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế 1999 của Liên Hợp Quốc về Trấn áp hoạt động Tài trợ khủng bố và các nghị quyết của LHQ liên quan đến việc phòng chống và trấn áp các hoạt động tài trợ khủng bố, đặc biệt là Nghị quyết số 1373 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Hình sự hoá hành vi tài trợ cho khủng bố và rửa tiền kèm theo
Các quốc gia cần hình sự hoá hoạt động tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, hành động khủng bố và các tổ chức khủng bố và đảm bảo rằng các tội danh này được quy định như tội phạm nguồn của tội rửa tiền.
Phong tỏa và tịch thu tài sản của các đối tượng khủng bố
Thực hiện ngay các biện pháp phong tỏa các nguồn tiền và các tài sản khác của khủng bố, những người tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và các tổ chức khủng bố. Đồng thời, các quốc gia cần thực hiện cả biện pháp về lập pháp, cho phép các cơ quan có thẩm quyền niêm phong và tịch thu tài sản do thu được từ tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, các hành động khủng bố và các tổ chức khủng bố.
Báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến chủ nghĩa khủng bố
Nếu các định chế tài chính hoặc các doanh nghiệp hay các tổ chức khác có nghĩa vụ đấu tranh phòng chống rửa tiền nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ rằng các nguồn vốn có liên quan hoặc dính líu hay sẽ được sử dụng cho chủ nghĩa khủng bố, hành động khủng bố cần báo cáo ngay các nghi vấn của mình cho các cơ quan có thẩm quyền.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Mỗi quốc gia cần tạo điều kiện cho quốc gia khác biện pháp hỗ trợ hữu hiệu nhất có thể liên quan đến việc thi hành án dân sự và hình sự, điều tra hành chính, các yêu cầu triệu tập và thủ tục tố tụng liên quan đến tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, các hoạt động khủng bố và tổ chức khủng bố và đảm bảo rằng không cung cấp nơi trú ngụ an toàn cho chúng.
Chuyển tiền thay thế
Tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo các cá nhân hoặc pháp nhân, bao gồm cả các đại lý, cung cấp dịch vụ chuyển tiền hoặc tài sản có giá trị, kể cả việc chuyển qua mạng lưới hoặc hệ thống chuyển tiền và tài sản giá trị không chính thức, phải được đăng ký, cấp phép và là đối tượng điều chỉnh theo các khuyến nghị của FATF được áp dụng cho ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng. Các nước cũng cần đảm bảo rằng khi tiến hành các dịch vụ này một cách bất hợp pháp thì sẽ bị xử phạt hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Chuyển tiền điện tử
Áp dụng các biện pháp nhằm yêu cầu các định chế tài chính, bao gồm những người chuyển tiền đưa đầy đủ và chính xác thông tin về người phát lệnh chuyển tiền đầu tiên (tên, địa chỉ và số tài khoản) vào các lệnh chuyển tiền, thông báo liên quan được gửi đi và các thông tin này phải được lưu giữ cùng lệnh chuyển tiền hay thông báo liên quan trong suốt chuỗi thanh toán.
Đồng thời, phải xem xét và kiểm soát kỹ lưỡng các khoản chuyển tiền đáng ngờ mà không chứa đựng các thông tin về người phát lệnh chuyển tiền đầu tiên.
Giám sát các tổ chức phi lợi nhuận
Các tổ chức phi lợi nhuận rất dễ bị lợi dụng vào hoạt động tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Vì vậy, các quốc gia cần phải đảm bảo các tổ chức này không bị lạm dụng bởi các tổ chức khủng bố có thể trá hình dưới các tổ chức hợp pháp; khai thác các tổ chức hợp pháp này như đường dây tài trợ cho khủng bố hoặc với mục đích trốn tránh các biện pháp phong tỏa tài sản; cất giấu hoặc che đậy sự phân bố nguồn vốn bí mật dự định dùng vào các mục đích hợp pháp cho các tổ chức khủng bố.
Chặt chẽ trong vận chuyển tiền tệ
Các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia cần được phép ngăn chặn hoặc hạn chế không cho vận chuyển tiền tệ hoặc các công cụ thanh toán không ghi danh khi có nghi vấn liên quan đến việc tài trợ cho khủng bố hoặc rửa tiền, hoặc được khai báo giả mạo.
Bên cạnh đó, cần có các chế tài hiệu quả, thỏa đáng và mang tính răn đe trong việc xử lý người khai báo gian dối. Trong trường hợp nếu tiền mặt hoặc các công cụ thanh toán không ghi danh có liên quan đến tài trợ cho khủng bố hoặc rửa tiền, các quốc gia cần áp dụng các biện pháp, bao gồm cả các biện pháp lập pháp phù hợp.