Để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI
(Tài chính) Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi vừa phải phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực cho đầu tư phát triển, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng.
Động lực quan trọng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo với chủ đề “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp vợi Hiệp hội doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Theo ông Đông, trong chặng đường hơn 25 năm đổi mới, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào năm 1987, dòng vốn FDI đã trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, dòng vốn FDI đã bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trực tiếp tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Đồng thời, FDI cũng đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thu hút và quản lý hoạt động FDI thời gian qua còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục, trong đó có những hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính về đầu tư - kinh doanh.
“Vì vậy, việc rà soát, đánh giá đầy đủ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, nhất là những vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư quy định tại Luật DN, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan khác, trên cơ sở đó hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư – kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về FDI”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Khắc phục hạn chế, nâng tầm cạnh tranh
Trên thực tế, sau giai đoạn hững khởi khi Việt Nam mới gia nhập WTO, dòng vốn FDI có xu hướng chững lại trong mấy năm gần đây và mới chỉ có dấu hiệu phục hồi từ năm 2013.
Cụ thể, năm 2011 vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt gần 15,6 tỷ USD, giảm 21,6% so với năm 2010; tuy nhiên lượng vốn giải ngân vẫn được duy trì ở mức 11 tỷ USD, ngang bằng với năm 2010. Đến năm 2012, lượng vốn đăng ký tuy có tăng 4,8%, đạt 16,35 tỷ USD, song lượng vốn giải ngân lại sụt giảm nhẹ, chỉ đạt 10,46% tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2013 lượng vốn đăng ký lên tới 22,35 tỷ USD, tăng 36,7% so với năm 2012; vốn giải ngân cũng tăng 9,9% đạt 11,5 tỷ USD.
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, sự hồi phục này là chưa bền vững và tốc độ tăng trưởng trong việc thu hút FDI của Việt Nam vẫn kém xa nhiều quốc gia trong khu vực. Bằng chứng là lượng vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, chỉ đạt 4,85 tỷ USD, bằng 59,1% so với cùng kỳ. Niềm “an ủi” là lượng vốn giải ngân vẫn duy trì được tốc độ tăng khá cao khi tăng 6,7% đạt 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam đa phần là nhỏ, những dự án từ 100 triệu đến 500 triệu USD chỉ chiếm 1,51%, từ 500 triệu đến 1 tỷ USD chỉ chiếm 0,19% và trên 1 tỷ USD chiếm 0,2%.
Phân tích cụ thể hơn, ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong việc thu hút, sử dụng vốn FDI. Đó là: Tiền đề thu hút FDI (hạ tầng, nguồn nhân lực, CN hỗ trợ,…) chưa tốt.
Bên cạnh đó hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn; Thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng cam kết WTO và các điều kiện đầu tư; Một số quy định hiện hành chưa phù hợp: chính sách ưu đãi đầu tư, vấn đề lao động và quản lý lao động nước ngoài; Quy định về mua bán và sáp nhập DN chưa rõ ràng, khó thực hiện; Chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; Cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng.
Ngoài ra là những bất cập về công nghệ và chuyển giao công nghệ: tiêu chí DN công nghệ cao, quản lý Nhà nước về chuyển giao công nghệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ,…
Từ thực tế này, theo ông Hoàng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính. Đi đôi với đó là cải thiện cơ sở hạ tầng; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ, cũng như Nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật.
Định hướng thu hút FDI thời gian tới:
- Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại...
- Tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương.
- Khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với nhau và với các doanh nghiệp trong nước.
- Quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.
(Trích Nghị Quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ)