Để sản xuất thích ứng với diễn biến COVID-19
Việc tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông qua việc tạo điều kiện cho F0, F1 làm việc sẽ gỡ "nút thắt" về việc thiếu hụt lao động mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, nhất là trong bối cảnh cả nước phát hiện hơn 100 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.
Theo báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2022 của IHS Markit, PMI Việt Nam đạt 54,3 điểm, tăng so với mức 53,7 điểm của tháng 1/2022, cho thấy có sự tăng trưởng 4 tháng liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và tốc độ tăng đã nhanh hơn, đạt mức cao của 10 tháng.
"Đau đầu" bài toán thiếu lao động
Tuy nhiên, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, cho biết các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục một lượng đủ lớn công nhân trở lại nhà máy để giải quyết lượng công việc tồn đọng, trong khi nguyên vật liệu vẫn khan hiếm. Do đó, các nhà sản xuất hy vọng những hạn chế này sẽ nhẹ bớt trong những tháng tới, từ đó giải phóng được sức sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA), đến nay gần 100% nhà máy, doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều nhưng đang thiếu hụt lao động.
Ông Bé nhận định, biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh và cũng qua khỏi nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng. Tuy nhiên, nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần một công nhân ở nhà trọ là F0 thì có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1 và các công nhân lại phải ở nhà ít nhất 5 ngày. Nhà máy sẽ không có công nhân đi làm.
Vì vậy, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo nhà máy, doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m.
"Các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy (tổ trưởng, chuyền trưởng hoặc quản đốc). Đến ngày thứ 5, nếu xét nghiệm âm tính thì công nhân đó được hòa nhập lao động bình thường trở lại", ông Bé cho biết.
Ông Bé cho biết thêm, hiện nay tình trạng thiếu hụt lao động còn xuất phát từ việc cạnh tranh trong thu hút lao động của các doanh nghiệp. "TP. Hồ Chí Minh là nơi 70% lao động ở các tỉnh thành, cả miền Tây, miền Trung và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, khu vực phía Bắc hiện cũng đã có nhiều khu công nghiệp, nên cạnh tranh lao động rất gắt gao. Không chỉ lao động có tay nghề, kỹ năng mà cả lao động phổ thông cũng bị cạnh tranh, thu hút lớn", ông Bé nhấn mạnh.
Để gỡ khó về nguồn cung lao động, Bộ Y tế vừa có đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, trong đó trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...
Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19. F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.
Băn khoăn về điều kiện, chế độ cho F0, F1 làm việc
Theo nhiều doanh nghiệp, phương án để F0, F1 tình nguyện đi làm trong bối cảnh hiện nay là hợp lý, phù hợp với thực tế và chiến lược bình thường hóa với đại dịch COVID-19, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, kiến nghị doanh nghiệp thực sự mong muốn có chính sách để F0, F1 được đi làm. "Nếu lao động bị nhiễm COVID-19 tăng cao, quy định nghỉ cách ly 10-15 ngày thì đơn hàng, khách hàng là bạn hàng của chúng tôi cũng không thể chia sẻ mãi được với doanh nghiệp", ông Long cho biết.
Theo đó, đại diện Tổng công ty May 10 cho rằng phương án cho F0, F1 đi làm với một số quy định kèm theo là phương án hợp lý trong bối cảnh hiện nay khi người lao động đã tiêm đầy đủ mũi vắc xin và phương án coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, nhiều người mắc có triệu chứng nhẹ.
Thực tế, bệnh nhân mắc COVID-19 tùy theo thể trạng mỗi người, người không triệu chứng, người triệu chứng nhẹ, người có triệu chứng nặng. Chính vì vậy, phương án Bộ Y tế đưa ra là người lao động làm việc trên cơ sở tình nguyện và được doanh nghiệp chấp thuận.
Tuy nhiên, ông Long cũng bày tỏ băn khoăn về việc đảm bảo các điều kiện cho họ đi làm (như chế độ 5K, an toàn, phòng tránh lây nhiễm...), không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được, đặc biệt đối với ngành sản xuất mang tính dây chuyền.
Đồng thời, đại diện May 10 cũng cho rằng cần có hỗ trợ của bảo hiểm cho người lao động trong thời gian họ bị F0, F1 mà tình nguyện đi làm. Còn đối với chi phí hỗ trợ thêm của doanh nghiệp cũng cần có, nhưng tùy theo khả năng của từng doanh nghiệp nhằm động viên, chia sẻ và tri ân họ.
Còn theo ông Bé, trường hợp tăng quyền lợi cho người lao động cũng cần cân nhắc tùy theo điều kiện mỗi doanh nghiệp, theo thực tế nhu cầu của cả doanh nghiệp, người lao động.
Theo đại diện của HBA, lao động là F0, F1 đã tiêm đủ mũi vắc xin, không triệu chứng tình nguyện đi làm để có lương mà doanh nghiệp cần thì các bên phải giải quyết và đảm bảo quyền lợi cho họ. Trường hợp người lao động có triệu chứng nhẹ, vẫn mệt, tình nguyện đi làm và doanh nghiệp rất cần, không thể thiếu được họ thì cũng xem xét, cân nhắc.
"Việc hỗ trợ quyền lợi thêm cho người lao động là do bản thân mỗi doanh nghiệp, không đưa quy định cứng nhắc bởi có thể khiến tình trạng xin hỗ trợ ồ ạt, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp", ông Bé nói.
Về lâu dài, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, cũng như tình cảnh nhiều vụ đình công xảy ra trong thời gian qua, ông Bé cho rằng cần phải nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực theo hướng giảm dần thâm dụng lao động. Đây sẽ là bài toán căn cơ cho cả người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang phục hồi mạnh sau đại dịch nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số nơi. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đã đưa ra những lời mời, tiêu chí, lợi ích để thu hút lao động, dẫn tới thiếu cả lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Do vậy, cần phải chú trọng ổn định thị trường lao động trong nước, kể cả lao động giản đơn, lao động trình độ cao.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và ổn định, phát triển thị trường lao động; kết nối cung cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm. Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động.
GS. TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Doanh nghiệp không thể sử dụng mãi lao động giá rẻ bởi khi chi phí cho người lao động tăng lên thì mô hình sản xuất không thể vận hành ổn định được. Với những vấn đề sử dụng lao động hiện nay, sớm muộn gì các doanh nghiệp cũng sẽ tính đến chuyện chuyển đổi mô hình sản xuất bằng máy móc, robot. Việt Nam có nền kinh tế mở, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đó là áp lực thúc đẩy doanh nghiệp phải tính đến việc sử dụng máy móc, robot vào quy trình, dây chuyền sản xuất của mình. Việc lao động giá rẻ bị thay thế bởi máy móc không hề xa xôi mà đã hiện diện ngay hiện tại.