Để ươm tạo doanh nghiệp công nghệ
(Tài chính) Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (technology business incubators hay technology incubators) là nơi giúp các doanh nghiệp có thể khởi nghiệp và phát triển vững mạnh dựa trên kết quả nghiên cứu công nghệ. Những kinh nghiệm của mô hình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ khá thành công ở Đài Loan sẽ gợi ý nhiều giải pháp hay giúp Việt Nam phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp
Hoạt động ươm tạo ở Đài Loan
Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đầu tiên ở Đài Loan được thành lập trong năm 1997. Từ đó đến nay, ở Đài Loan đã hình thành trên 130 cơ sở ươm tạo. Các cơ sở ươm tạo của Đài Loan có đặc điểm là hầu hết trực thuộc các trường đại học. Cụ thể, trong số 112 cơ sở ươm tạo được nhận tài trợ tài Chính phủ; 90 cơ sở ươm tạo (chiếm 81,6%) trực thuộc các trường đại học; 04 cơ sở của Chính phủ (2,3%); 03 cơ sở thuộc các doanh nghiệp tư nhân (1,1%) và 15 cơ sở thuộc các tổ chức khác (14,9%).
Chính vì hầu hết trực thuộc các trường đại học, các cơ sở ươm tạo của Đài Loan có mục tiêu chính là đưa các kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học ra thị trường thông qua các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mục tiêu này rất khác so với các quốc gia như Hoa Kỳ, nơi các cơ sở ươm tạo hầu hết thuộc khối tư nhân, do đó, họ thường hướng tới mục tiêu lợi nhuận.
Ở Đài Loan, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp rất chuyên nghiệp và hoàn thiện. Về phía Chính phủ, Cơ quan Quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium Enterprise Administration – SMEA) quản lý tất cả trên 90 cơ sở ươm tạo trong nước. SMEA có các gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Ví dụ đối với doanh nghiệp ở giai đoạn ươm mầm (seed stage), SMEA có hệ thống một cửa để bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể gọi đến và nghe tư vấn về những kiến thức cơ bản nhất đối với khởi nghiệp. SMEA cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng nguồn nhân lực ban đầu bằng việc tổ chức các hoạt động đào tạo và tập huấn cho doanh nghiệp, ví dụ gói hỗ trợ 20 giờ tập huấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp về những vấn đề quan trọng khi khởi nghiệp như việc lập kế hoạch kinh doanh, việc quản lý doanh nghiệp cũng như các vấn đề về vốn và tài chính.
Ngoài vai trò hỗ trợ về mặt đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Nhà nước còn trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp này thông qua các cuộc thi khởi nghiệp và Câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần (Angel Club) để tìm kiếm và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự có tiềm năng.
Về phía các viện nghiên cứu, trường đại học, họ cũng có những hoạt động rất thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Ví dụ ITRI thường tổ chức các sự kiện trình diễn ý tưởng (innovation show) để tạo điều kiện cho các nhóm kinh doanh dựa trên kết quả nghiên cứu, công nghệ có thể trình bày ý tưởng của mình đến các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư tư nhân.
Về phía các nhà đầu tư tư nhân, với rất nhiều kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, họ có thể hỗ trợ cũng như đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài liên kết trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Đài Loan còn xây dựng một Mạng lưới kết nối quốc tế (Taiwan Globalization Network - TNG) vững chắc để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những chiến dịch của TNG là “Born global” , tạm hiểu là chiến dịch giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành “công dân thế giới”.
Nói cách khác, “Born global” hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đài Loan tiếp cận và phát triển được ở các thị trường quốc tế và ngược lại, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đến Đài Loan để họ có thể kinh doanh một cách thuận lợi ở môi trường mới.
Những gợi ý cho Việt Nam
Ở Việt Nam có một số các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ công lập được thành lập và hoạt động trong một vài năm trở lại đây, như: vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ), Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Vườn ươm doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội (HBI).
Các cơ sở ươm tạo này đã tạo ra một số thành công nhất định, nhưng cũng gặp phải khá nhiều khó khăn trong quản lý, thu hút nguồn lực tài chính, hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa cao. Mạng lưới chuyên gia và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo của nhiều cơ sở ươm tạo còn hạn hẹp. Các dịch vụ mà các cơ sở ươm tạo này cung cấp cho doanh nghiệp, do đó còn ở mức cơ bản, chưa hoàn thiện.
Để thực sự hỗ trợ được doanh nghiệp công nghệ trong việc hình thành và phát triển, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, hoặc cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Việt Nam có thể học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu từ hoạt động ươm tạo của Đài Loan như sau:
- Người đứng đầu của các cơ sở ươm tạo nên có kinh nghiệm trong kinh doanh, hoặc kinh nghiệm ươm tạo chứ không thể chỉ là một nhà khoa học, hay đơn thuần là một cán bộ quản lý của viện, trường. Bởi, nếu không có kinh nghiệm trong kinh doanh, họ không thể hướng dẫn được các nhóm khởi nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình.
- Các cơ sở ươm tạo thuộc viện nghiên cứu, trường đại học không cần thiết sử dụng đến những chuyên gia yêu cầu kinh phí cao, mà có thể sử dụng dịch vụ hỗ trợ từ sinh viên. Những cơ sở ươm tạo tại các trường đại học khối ngành kỹ thuật khó có tìm được đội ngũ sinh viên nhạy bén trong kinh doanh ngay tại trường đại học của mình.
Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể liên kết, kết nối với đội ngũ sinh viên như vậy ở các trường đại học khối kinh tế. Có rất nhiều bạn sinh viên của Việt Nam ở các trường đại học, như: Đại học Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Ngân hàng… tham gia những cuộc thi về khởi nghiệp, về kinh doanh ở trong nước và quốc tế và đạt được những kết quả cao. Đó chính là nguồn đầu vào rất có tiềm năng cho các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.
- Hầu hết các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ công lập hiện nay hoạt động dựa trên mô hình phi lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng cần đẩy mạnh việc thành lập và hoạt động của các cơ sở ươm tạo dựa trên lợi nhuận. Các cơ sở này ít nhất có thể tự trang trải cho các chi phí của mình, mà không cần đến hỗ trợ tài chính thường xuyên của Nhà nước theo mô hình của tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, chỉ khi hoạt động dựa trên lợi nhuận, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ công lập mới có động lực cạnh tranh để thường xuyên trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn của mình và có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Như ở Đài Loan, lợi nhuận của các cơ sở ươm tạo đến từ việc cam kết với các đối tượng ươm tạo là khi họ thành công, họ phải trả lại cơ sở ươm tạo một số tiền nhất định. Các cơ sở ươm tạo cũng có thể thỏa thuận để lấy cổ phần từ doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo và thu lại được lợi nhuận khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thành công, ra được IPO hoặc được sáp nhập với công ty khác. Các cơ sở ươm tạo của Việt Nam cũng hoàn toàn có thể học được mô hình này.
- Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp thuộc trường đại học nên tận dụng được những nguồn lực sẵn có trong trường mình, hoặc với các trường đại học khác để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Cuối cùng, trong điều kiện thị trường công nghệ của Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển, chưa có nhiều các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp công nghệ, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam càng nên chú trọng đến việc liên kết với các mạng lưới ươm tạo trên thế giới.
Khi kết nối với các mạng lưới này, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam không chỉ học hỏi được kinh nghiệm ươm tạo của rất nhiều nước, mà còn có thể nhận được những hỗ trợ về chuyên gia tư vấn, tiếp cận được với các nhà đầu tư nước ngoài và có thể được hỗ trợ để đưa các nhóm khởi nghiệp có tiềm năng của Việt Nam tham dự các sự kiện, các cuộc thi khởi nghiệp trên thế giới./.
Tài liệu tham khảo
1. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (2012). Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính trong hoạt động ươm tạo các doanh nghiệp khoa học công nghệ, Đề tài cấp bộ
2. PGS, TS. Jane Liu - Giám đốc trung tâm ươm tạo, Đại học Triều Dương, Đài Loan (2014). Tham luận tại Hội thảo Chính sách phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các trường đại học: bài học kinh nghiệm quốc tế, do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức, ngày 01/8/2014, Hà Nội
3. Wang, W. B., Hung, Y. C., & Wang, C. C. (2013). University-Industry Business Incubators in Taiwan, Open Journal of Business and Management, 1, 1