Đề xuất chính sách đặc thù cho nhà ở công nhân
Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 28/10, ông Trần Văn Tuấn (Phó đoàn Bắc Giang) lo ngại nguồn cung nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng.
Đầu tháng 8, người đứng đầu Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, các vướng mắc chưa được tháo gỡ. Từ thực tiễn địa phương, ông Tuấn kiến nghị, cần hoàn thiện cơ chế pháp luật, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân.
Bởi theo ông, công nhân là lực lượng có vị trí ngày càng quan trọng, đặc thù so với lực lượng khác. Tuy nhiên quy định hiện hành chưa có quy định cụ thể về nhà ở cho công nhân hoặc nằm rải rác ở các luật liên quan và chưa phù hợp.
Cụ thể, tại điều 49 của Luật Nhà ở 2014, đã xác định người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Hay tại Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, một trong những điều kiện được hưởng chính sách này là chưa có nhà, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Theo ông Tuấn, quy định trên không hợp lý, vì nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. Mặc dù, họ đã có nhà ở quê, sống cùng bố mẹ và anh chị em, nhưng do đi làm ăn xa, điều kiện chỗ ở chật chội, nên rất cần được xem xét hỗ trợ nhà ở.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân xây nhà ở cho công nhân thuê.
Theo ông, để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, cần khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ doanh nghiệp mà cá nhân, hộ gia đình cũng có vai trò quan trọng.
Từ thực tiễn Bắc Giang, ông Tuấn dẫn chứng, hiện nay địa phương đang có 5.100 công trình nhà ở do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng đủ tiêu chuẩn đáp ứng 66.000 công nhân. Theo tính toán của tỉnh này, năm 2025, dự án xây dựng nhà ở chỉ đáp ứng được một nửa công nhân có nhu cầu, Bắc Giang vẫn phải khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây nhà ở cho công nhân thuê.
"Đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai cụ thể hóa, triển khai ưu đãi, thu hút về tiền, về đất đai, các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho công nhân", ông Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ với DĐDN, Bộ Xây dựng cho biết một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân tiếp tục được sửa đổi tại Luật Nhà ở và các pháp luật có liên quan.
Theo Bộ Xây dựng, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, giao Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong đó, chính sách dành cho nhà ở công nhân sẽ được tách riêng khỏi nhà ở xã hội.
Để đảm bảo đồng bộ quy định pháp luật, một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà công nhân Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023 (văn bản số 906/TB-TTKQH ngày 21/4/2022 của Tổng thư ký Quốc Hội).