Đề xuất kéo dài Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu thêm 3 năm
Đề xuất đưa ra trong bối cảnh Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào giữa tháng 8 tới, khiến toàn bộ cơ chế xử lý theo nghị quyết này chấm dứt.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, cơ quan này đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tới hết ngày 15/8/2025 để tránh tạo khoảng trống pháp lý khi nghị quyết này hết hiệu lực thi hành vào ngày 15/8/2022 và chưa ban hành được luật về xử lý nợ xấu của các TCTD do cần tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42, Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các TCTD.
Để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, NHNN kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại kỳ họp vào tháng 5/2022.
Đề xuất của NHNN được đưa ra trong bối cảnh Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào giữa tháng 8 tới, khiến toàn bộ cơ chế xử lý theo nghị quyết này chấm dứt.
Theo NHNN, việc này sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch COVID-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được, đồng thời, TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu. Vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.
Ngoài ra, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 có thể sẽ tác động làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD sẽ không được bảo vệ, làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng, nhà đầu tư đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ về công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát sẽ dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát nợ xấu phát sinh và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD nói riêng và nguồn cung tín dụng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung.
Theo Nhà điều hành, việc thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.