Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính):
Đề xuất nhiều quy định mới tháo gỡ vướng mắc cho cổ phần hóa, thoái vốn
Để làm rõ những thực trạng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn, Tạp chí điện tử Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay được đánh giá rất chậm, ông có thể cho biết cụ thể hơn về thực trạng cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay?
Ông Đặng Quyết Tiến: Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 8/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch (đạt 28%), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 4 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.
Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: TP. Hà Nội 13 doanh nghiệp (14% kế hoạch); TP. Hồ Chí Minh 38 doanh nghiệp (40% kế hoạch); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.
Về tình hình thoái vốn, theo báo cáo của các đơn vị, trong 08 tháng năm 2020, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 260 tỷ đồng, thu về 678 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 639,5 tỷ đồng, thu về 1.166 tỷ đồng.
Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 8/2020, các doanh nghiệp đã thoái 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 102 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.964 tỷ đồng, thu về 9.643 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm.
Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và hoạt động của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu... gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn như các quy định tại các Nghị định số: 01/2017/NĐ-CP, 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP… nên các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa, thời gian thực hiện kéo dài hơn.
Mặt khác, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên; nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg trước đây và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP hiện nay, dẫn dến làm chậm quá trình cổ phần hóa.
Thêm vào đó, phải thừa nhận rằng, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.
Cần có giải pháp gì nhằm tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn nữa việc cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, thưa ông?
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và triển khai theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội, các chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, SCIC khẩn trương xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Quốc hội.
Cùng với đó, tăng cường công tác chấp hành kỷ luật kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Tiếp tục tập trung xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Được biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ, tờ trình dự thảo nghị định sửa đổi 3 nghị định liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn. Xin ông cho biết một số điểm mới trong dự thảo nghị định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?
Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Dự thảo Nghị định có 5 điều, 22 khoản mục sửa đổi, bổ sung và 7 khoản mục bãi bỏ một số nội dung của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; 11 khoản mục sửa đổi, bổ sung và 5 khoản mục bãi bỏ một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể việc xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; nêu rõ các cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất; bổ sung chế tài thời gian và trách nhiệm của các cơ quan địa phương, trung ương trong việc có ý kiến về phương án sử dụng đất. Đồng thời bổ sung điều kiện đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật đầu tư công phải hoàn thành phương án này trước khi thực hiện cổ phần hóa nhằm tách bạch rõ ràng quy trình cổ phần hóa với quy trình sắp xếp, xử lý nhà đất tại doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật, qua đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai tại các doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở cho việc xác định chính xác, nhanh giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, cũng như tạo thuận lợi cho việc phê duyệt phương án sử dụng đất góp phần thúc đẩy tiến độ chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.
Dự thảo Nghị định đã bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; điều chỉnh khấu trừ giá trị lợi thế từ vị trí địa lý đất thuê, quy định về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa nhằm tách bạch rõ ràng giữa phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật và về quản lý, sử dụng tài sản công và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/2018/NĐ-CP, Dự thảo bãi bỏ nội dung “bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có)” nhằm gỡ vướng cho doanh nghiệp trong xác định giá trị.
Để khắc phục bất cập do nhà đầu tư đã trúng đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng lại phải thanh toán theo giá sàn không phải là giá đặt mua đã trúng của nhà đầu tư, Dự thảo Nghị định bãi bỏ quy định về phương thức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại các công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán theo hướng: Mức giá khởi điểm do cơ quan đại diện chủ sở hữu/doanh nghiệp nhà nước quyết định công bố tại ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn để làm cơ sở cho nhà đầu tư đăng ký khối lượng mua và nộp tiền đặt cọc không được thấp hơn các mức giá: giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá; giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn của mã chứng khoán đã giao dịch của công ty cổ phần niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán; giá tham chiếu của mã chứng khoán của công ty cổ phần đang giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 01 ngày.
Về thoái vốn đầu tư của các doanh nghiệp có vốn góp chi phối của Nhà nước tại các doanh nghiệp khác, Dự thảo bổ sung quy định giao cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối vận dụng các quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và Nghị định này để có ý kiến khi tổ chức thoái vốn ở các doanh nghiệp khác đảm bảo công khai, minh bạch, theo thị trường và lợi ích cao nhất của các cổ đông trong đó có Nhà nước.
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về thời hạn công bố thông tin của doanh nghiệp thực hiện thoái vốn thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán tối thiểu là 20 ngày trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch (tương tự như quy định về thời hạn công bố thông tin của doanh nghiệp không thực hiện thoái vốn thông qua giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán).
Dự thảo cũng quy định về xác định giá khởi điểm trong trường hợp thực hiện các phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp nhà nước; bổ sung quy định về chi phí đối với chuyển nhượng vốn nhà nước; bãi bỏ quy định phải gửi hồ sơ đấu giá đến cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính do hồ sơ này đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Những điều chỉnh, bổ sung tại Dự thảo nêu trên sẽ khắc phục, giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay.
Xin cảm ơn ông!