Bộ Tài chính:

Rà soát các vướng mắc, bất cập trong cổ phần hoá, thoái vốn DNNN


Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm, việc phê duyệt phương án cơ cấu chưa đạt kế hoạch đã đề ra… Điều này đang làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành mục tiêu cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020

Để đẩy nhanh quá trình và tiến độ thoái vốn, cổ phần hoá DNNN, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách.
Để đẩy nhanh quá trình và tiến độ thoái vốn, cổ phần hoá DNNN, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020 sẽ cổ phần hóa 127 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cụ thể: Năm 2017 cổ phần hóa 44 DN; Năm 2018 cổ phần hóa 64 DN; Năm 2019 cổ phần hóa 18 DN; Năm 2020 cổ phần hóa 01 DN.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay là khá hạn chế. Lũy kế giai đoạn 2016-2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 78 DN thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 3.790 tỷ đồng, thu về 7.107 tỷ đồng; Thoái vốn nhà nước tại các DN ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg: thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco); Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 14.488 tỷ đồng, thu về 48.456 tỷ đồng.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, trong 3 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát các vướng mắc, bất cập, đặc biệt là những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai trong quá trình triển khai cổ phần hóa theo quy định tại các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phương án xử lý.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp, đôn đốc bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN, nhằm bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang tích cực triển khai các thủ tục chuẩn bị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chỉ thị về tăng cường sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DN. Mặt khác, Bộ Tài chính có thể bổ sung thông tư hướng dẫn các nghị định về nội dung đất đai để làm rõ.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát tổng kết và đề xuất việc sửa đổi bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Rà soát Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH 1 thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý sử dụng vốn, tài sản của DN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành địa phương rà soát, đánh giá 02 năm thực hiện Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết định. Tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có vốn nhà nước trong năm 2018; tổng hợp báo cáo giám sát hoạt động tài chính 6 tháng năm 2018.

Theo quan điểm của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), để đẩy nhanh quá trình và tiến độ thoái vốn, cổ phần hoá DNNN, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.