Đề xuất xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hơn 43.700 tỷ đồng
Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 43.734 tỷ đồng.

Áp dụng hình thức đầu tư công
Trình bày tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku tại phiên họp của Quốc hội sáng 19/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, việc sớm đầu tư Dự án là cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phân bổ lại và tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.
Theo đề xuất, điểm đầu dự án tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Dự án đi qua địa phận Thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và Thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.
Chính phủ dề xuất hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định cho một số dự án đường bộ cao tốc, dự án đường sắt và đặc điểm của Dự án, đề xuất cho phép áp dụng 09 cơ chế, chính sách, trong đó có: 03 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, 05 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và 01 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bổ sung thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt: “Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công”.
Theo Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công và Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã xác định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án.
Theo Ủy ban, để bảo đảm tiến độ, hiệu quả cho Dự án, việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là cần thiết. Chính phủ đề xuất 09 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho Dự án, theo đó cơ bản các chính sách đặc thù, đặc biệt này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số dự án quan trọng của quốc gia trong thời gian qua, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.
Tuy nhiên, một số chính sách đã được điều chỉnh so với các chính sách tương tự được áp dụng cho một số dự án thời gian qua. Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị thuyết minh làm rõ hơn việc điều chỉnh một số chính sách này. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách áp dụng, bảo đảm các cơ chế chính sách này khả thi, phù hợp đối với tính chất, mục tiêu của Dự án.