Việt Nam có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

Trang Nguyễn

Hiện Việt Nam đã có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; 60% chủ thể tham gia chương trình ghi nhận doanh thu tăng trung bình 18%/năm; gần 40% chủ thể là phụ nữ, 17% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau 7 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã chứng minh là công cụ hiệu quả.
Sau 7 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã chứng minh là công cụ hiệu quả.

Chương trình OCOP được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018, là trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị; và là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, các chương trình thực hiện phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa cũng được đẩy mạnh.

Đến nay, sau 7 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã chứng minh là công cụ hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy của người dân, các địa phương và doanh nghiệp, hướng tới phát triển sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị, gắn với bản sắc văn hóa địa phương. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, trong 7 năm qua, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất ở nông thôn mở rộng thị trường trên phạm vi toàn quốc và vươn ra thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. 60% chủ thể ghi nhận doanh thu tăng trung bình 18%/năm. Gần 40% chủ thể tham gia chương trình là phụ nữ, 17% là đồng bào dân tộc thiểu số, minh chứng cho tính bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.

Số lượng sản phẩm OCOP được công nhận không ngừng tăng lên cùng số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất gia tăng cho thấy sự lan toả, hưởng ứng và tham gia tích cực của địa phương, doanh nghiệp 

Thông qua Chương trình OCOP đã khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền, gắn với bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống; thúc đẩy việc chuyển đổi từ sản xuất nông sản thô sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm và đời sống của người dân.

Để các mô hình OCOP phát huy hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục có sự đồng hành của Nhà nước trong hoạch định các chính sách phù hợp; sự chủ động của cộng đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã; đầy mạnh mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng cường ứng dụng trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.