Đến năm 2020 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt 3%/năm
Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%; Lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 22%.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; hầu hết dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Kế hoạch cũng định hướng giai đoạn 2017 - 2020 cơ cấu lại nông nghiệp theo lĩnh vực, sản phẩm. Cụ thể, tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 cấp sản phẩm.
Thứ nhất, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm): Tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Thứ ba, nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể: Sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Kế hoạch cũng định hướng phát triển mạnh mẽ công nghiệp bảo quản, chế biến và làng nghề để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh và ứng dụng công nghệ cao; giảm xuất khẩu sản phẩm thô.
Song song với đó phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Phấn đấu đạt giá trị tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến khoảng 7-8%/năm.