VEPR dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 đạt 6,3%

Tuệ Lâm

(Taichinh) - Sáng ngày 28/5/2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tê Việt Nam năm 2015. Đáng chú ý, trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2015 vừa được VEPR công bố cho thấy, năm 2015, triển vọng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có khả năng đạt trong khoảng từ 6,1-6,3%.

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 đạt 6,3%.
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 đạt 6,3%.

Quý I/2015: Công nghiệp tăng trưởng trên 9%

Tại Hội thảo, báo cáo nghiên cứu của VEPR cho biết, trong quý I/2015 dẫn dắt thị trường là công nghiệp với mức tăng 9,01%, tăng từ mức 5% tại quý I/2014. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 1,6 điểm phần trăm (trong 2,6 điểm phần trăm của toàn ngành công nghiệp) vào tăng trưởng chung.

Theo báo cáo, dựa vào mức độ sử dụng lao động và chỉ số sản xuất công nghiệp, có thể thấy mức tăng này chủ yếu đến từ các dây chuyền mới đưa vào vận hành của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cần Thơ, và Vũng Tàu.

Một điều đáng chú ý được báo cáo nêu ra là tiềm năng tăng trưởng trong các năm sau phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hút vốn FDI mới và khả năng hồi phục và tăng cường liên kết của các doanh nghiệp trong nước với mạng lưới sản xuất khu vực.

Trong khi đó, tăng trưởng khối lượng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 9%, vượt mức 5% quý I/2014 và 6,3% trung bình cả năm 2014. Mức tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh áp lực lên lạm phát, kể cả nhóm lạm phát lõi, ở mức thấp trong nhiều năm và ngành dịch vụ lại tăng trưởng tương đối chậm, cho dù bán buôn và bán lẻ tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng hàng hoá lưu thông tăng lên, nhưng giá trị gia tăng từ đó khiêm tốn hơn. Xuất khẩu giảm và tồn kho cao dường như đã kiềm chế giá cả và tạo thuận lợi cho tiêu dùng, bên cạnh lực đẩy từ yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán).

Tăng trưởng trong nông nghiệp và dịch vụ có dấu hiệu đi xuống so với cùng kỳ năm 2014, với mức tăng lần lượt 2,14% và 5,82%, đóng góp tương ứng 0,3 điểm phần trăm và 2,4 điểm phần trăm.

Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản mất đà tăng. Tăng trưởng GDP nông nghiệp quý I/2015 giảm xuống 1,54% yoy từ 1,91% và 2,03% cùng kỳ năm 2014 và 2013. Tăng trưởng ngành thuỷ sản giảm còn 3,38%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý I/2014. Nguồn cầu không ổn định từ các thị trường xuất khẩu chính góp phần khiến cho sản xuất cầm chừng. Ngoài ra, hiện tượng trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc tự phát, không gắn với tiêu thụ gia tăng rủi ro cho nông dân, phá vỡ quy hoạch và cản trở phát triển nông nghiệp bền vững. Còn tăng trưởng lâm nghiệp tăng lên 6,02% từ 4,64% cùng kỳ 2014, duy trì quán tính mở rộng từ 2014.

Dự báo tăng trưởng kinh tế 2015 đạt 6,3%

Đưa ra triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015, báo cáo của VEPR đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng có tính hội tụ tương đối. Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,1%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức 6,3% theo giá cố định năm
2010).

Lạm phát của cả năm 2015 trong kịch bản 1 được dự báo tiếp tục duy trì mức tương đối thấp, tương tự năm 2014, đạt khoảng 1,9%. Trong khi đó, đối với kịch bản 2, khi nền kinh tế phục hồi cao hơn một chút, thì lạm phát có thể lên tới 3,2% và khuynh hướng tăng diễn ra nhanh hơn vào cuối năm, và tiếp tục tăng trong 2016. “Đây là trường hợp kinh tế rơi vào một vòng xoáy mới giữa lạm phát và thay đổi tỷ giá. Kịch bản 2 tuy có bề ngoài không khác quá xa kịch bản 1, nhưng phản ánh một mức độ rủi ro vĩ mô cao hơn nhiều sẽ xuất hiện trong năm 2016”, báo cáo nhận định.

Cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt nhưng cán cân tổng thể vẫn đạt thặng dư vừa phải nhờ sự bù đắp từ vốn FDI và kiều hối. Mức thặng dư sẽ khiêm tốn hơn, vào khoảng 4 tỷ USD, tương đương 1/3 thặng dư năm 2014.

Một vấn đề quan trọng khác cũng đươc nêu trong báo cáo là lợi ích tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Binh Dương (TPP) đối với Việt Nam là tích cực và mang tính nền tảng, tác động đến cấu trúc nền kinh tế thông qua ảnh hưởng khác nhau giữa các ngành và lĩnh vực.

“Lợi ích từ TPP sẽ lớn hơn nếu gỡ bỏ ràng buộc lên các yếu tố sản xuất căn bản như vốn, lao động, đất đai và quan hệ mật thiết tới cải cách hành chính và cải cách thể chế”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định./.