Dệt may VN sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 15 tỷ USD

Uyên Hương (TTXVN).

Ngành dệt may Việt Nam có thể sẽ sớm chinh phục được mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2012 sau việc bứt phá về kim ngạch xuất khẩu trong tháng Tám và 8 tháng qua.

Dệt may VN sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 15 tỷ USD

 

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết :

Theo số liệu thống kê, trong tháng Tám, ngành dệt may vẫn duy trì được sức bền với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,59 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả 8 tháng lên mức 10,8 tỷ USD, tăng trên 6% so với cùng kỳ và giữ vị trí dẫn đầu trong tốp 10 nhóm hàng xuất khẩu trọng tâm của cả nước.

Đặc biệt, cùng với sự tăng trưởng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã xuất siêu trên 5,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng tốc xuất siêu của ngành dệt may chủ yếu là do giá nhập khẩu bông nguyên liệu 8 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nỗ lực phát triển nguồn nguyên liệu bông nội địa trong những năm qua cũng giúp ngành dệt may gia tăng tỷ trọng bông nội địa, giảm nhập khẩu.

Bà Dung cho biết cùng những giá trị, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mà ngành đã đạt được trong thời gian qua và với những giải pháp hỗ trợ về vốn, thuế, xúc tiến thương mại mà các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai, Vitas hy vọng ngành dệt may sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của năm 2012, thậm chí có thể vượt mục tiêu.

Mặc dù vậy, để đảm bảo sự ổn định cũng như duy trì và thúc đẩy được tốc độ tăng trưởng, các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển các thị trường mới.

Việc mở rộng thị trường của ngành dệt may đang có cơ hội lớn bởi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang trong quá trình đàm phán.

Khi có hiệu lực, sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, do đó các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị vững vàng để có thể bắt nhịp ngay với những yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, xuất xứ, tiêu chuẩn về hóa chất...

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường những tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường tiềm năng như Hong Kong, Thái Lan, Malaysia và đưa ra các dự báo về thị trường, cảnh báo về việc thay đổi chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng tại các thị trường, nên các doanh nghiệp cần tận dụng và theo sát để có kế hoạch và thay đổi kịp thời.