Đích đến nào cho xuất khẩu tôm năm 2013?
Liệu xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2013 sẽ đến đích theo kịch bản nào: 2,4 tỷ USD, 2,2 tỷ USD hay 1,9 tỷ USD khi đã và đang đối diện với nhiều quá nhiều khó khăn như hiện nay?
Nhiều chuyên gia trong ngành Thủy sản nhận định, những khó khăn đối với xuất khẩu tôm trong năm 2012 sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2013.
Đầu tiên là dịch bệnh và Hội chứng tôm chết sớm (EMS) đối với tôm nuôi công nghiệp (kể cả tôm sú và tôm chân trắng) chưa được giải quyết sẽ làm cho sản lượng tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu giảm mạnh. Trong khi, sản lượng tôm nuôi công nghiệp chiếm tới 60% sản lượng tôm nguyên liệu của cả nước.
Tiếp đến là việc cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL (khu vực chiếm 75% sản lượng tôm nuôi của cả nước) với lực lượng thu gom tôm cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, nhóm thu mua cho Trung Quốc có lợi thế hơn so với doanh nghiệp tôm Việt Nam về mặt kiểm tra, kiểm soát chất lượng.
Song song với đó, nhiều nước nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam như EU, Mỹ... có thể giảm lượng nhập khẩu bởi sự khó khăn của nền kinh tế và dư thừa nguồn cung...
Đồng thời, rào cản Ethoxyquin chưa được giải quyết từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc (hai thị trường chủ lực và ổn định nhập khẩu tôm của Việt Nam những năm qua) cũng sẽ khiến cho con tôm gặp nhiều gian nan.
Và mới đây nhất, tôm Việt Nam còn có nguy cơ bị đánh thuế hai lần là bán phá giá và trợ giá trên thị trường Mỹ khi Bộ Thương Mại Mỹ đã chính thức thụ lý đơn kiện của Liên hiệp công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và sáu nước khác với cáo buộc bán phá giá.
Sẽ đi theo kịch bản nào?
Số liệu của VASEP cho thấy, năm 2012, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có mặt ở 92 thị trường trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,23 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2011. Cho dù xuất khẩu tôm không cán đích như mục tiêu 2,4 tỷ USD đã đề ra, nhưng đây là nỗ lực của toàn ngành trong một năm với nhiều trở ngại từ sản xuất trong nước cho đến thị trường xuất khẩu.
Theo đó, VASEP cũng đưa ra 3 kịch bản cho sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2013. Cụ thể, kịch bản được cho là khả quan nhất là, sản lượng tôm xuất khẩu sẽ đạt khoảng 240.000 tấn, giá trị xuất khẩu sẽ giữ mức 2,4 tỷ USD và tăng khoảng 6,5% so với năm 2012. Để xuất khẩu tôm đi theo kịch bản này, Phòng Xúc tiến thương mại (VASEP) cho rằng, cần nỗ lực duy trì sản lượng, phải bám trụ và giữ vững thị phần Mỹ. Nhanh chóng giải quyết vấn đề Ethoxyquin để giữ thị phần và dùng tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản để bù đắp cho thị trường châu Âu.
Kịch bản thứ hai là kịch bản duy trì. Đối với kịch bản này, VASEP giả định, dịch bệnh EMS có giải pháp khắc phục, vấn đề Ethoxyquin cũng được tháo gỡ. Khi đó, sản xuất và xuất khẩu tôm vẫn sẽ gặp khó vì nhiều thách thức khác. Do đó, ở kịch bản này, sản lượng xuất khẩu có thể đạt 220.000 tấn, trị giá khoảng 2,2 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2012.
Còn trong trường hợp kém khả quan nhất, đó là thách thức về dịch bệnh, EMS chưa tìm được biện pháp hữu hiệu; Vướng mắcEthoxyquin không được tháo gỡ; Chi phí gia tăng, thuế nhập khẩu nguyên liệu tăng... Khi đó, ngành Tôm sẽ xảy ra nhiều thay đổi lớn. Cụ thể, dự báo nguồn cung có thể giảm tới 30 - 40%, tôm sú nuôi quảng canh có cơ hội phát triển nhưng sản lượng nuôi sẽ thấp, sản lượng tôm chân trắng sụt giảm nghiêm trọng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu tôm về để gia công chế biến xuất khẩu, giá trung bình tôm xuất khẩu sẽ tăng do cầu lớn hơn cung. Với kịch bản này, sản lượng tôm xuất khẩu có thể chỉ đạt dưới 200.000 tấn, trị giá khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2012.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Ủy ban Tôm của VASEP tỏ ra không lạc quan với kịch bản xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Ông cho rằng: “Nếu sản lượng tôm nuôi trong năm 2013 đạt thấp, giá cao, thì sẽ không có doanh nghiệp Việt Nam nào dám nhập khẩu nguyên liệu tôm để chế biến. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sẽ không cao, xuất khẩu được 2,2 tỷ USD là đã mừng rồi. Chỉ sợ không đạt được con số này”.
Cơ hội trong thách thức
Mặc dù đứng trước nhiều thách thức, tuy nhiên trong năm 2013 vẫn còn nhiều cơ hội để ngành Tôm Việt Nam tiếp tục bứt phá.
Theo VASEP, trong năm 2013, xuất khẩu tôm sang các nước châu Á như Singapore, Philippines, Trung Quốc có khả năng vẫn sẽ tăng trưởng khả quan vì tăng trưởng kinh tế khu vực này được dự báo ở mức ổn định.
Bên cạnh đó, sản lượng tôm của Thái Lan nói riêng, toàn cầu nói chung cũng sẽ giảm trong năm 2013. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu tôm của Thái Lan năm 2013 được dự báo sẽ duy trì ở mức 350.000 tấn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hội chứng EMS và do nhu cầu toàn cầu suy giảm, đặc biệt là ở EU và Mỹ… Chính vì thế, đây là cơ hội để ngành Tôm Việt Nam tăng tốc xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa những cơ hội và khắc phục những khó khăn trong năm 2013, các chuyên gia cũng cho rằng: Cần tăng cường các giải pháp để tìm ra căn nguyên của dịch bệnh tôm năm 2012 và tạo nguồn nguyên liệu cùng các giải pháp phòng ngừa cho sản xuất, xuất khẩu năm 2013; Tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm hiệu quả, giảm chi phí giá thành; Cấp vốn kịp thời cho các hộ nuôi tôm; Kiểm soát chặt chất lượng tôm giống; Phổ biến rộng rãi những phương pháp nuôi đảm bảo tiêu chuẩn dư lượng hóa chất Ethoxyquin... nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, tổ chức quy hoạch, điều tiết lại diện tích, quy mô, sản lượng nuôi tôm phù hợp với nhu cầu thị trường; Đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi và chế biến tôm phù hợp với từng vùng; Các Hiệp hội cần chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại cũng như giải quyết các rào cản kỹ thuật… Có như vậy mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mặt hàng tôm để giúp ngành Tôm Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong năm 2013.