Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 55 tỉnh, thành
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam, tính đến ngày 12/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố. Số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 2,5 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 150.000 tấn.
Chiều 13/6, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị bàn một số giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, dịch tả lợn châu Phi là căn bệnh nặng nề nhất, thách thức nhất, nguy hiểm nhất của ngành chăn nuôi. Đến nay dịch đã khiến tổng đàn heo bị thiệt hại từ 7-8%.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến ngày 12/6 dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố. Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy hơn 2,5 triệu con với trọng lượng gần 150.000 tấn. Vừa qua đã có 56 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh bệnh.
Do mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đến nay Việt Nam đã có trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có những văn bản quan trọng của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT… bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có những tín hiệu tích cực bước đầu trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện cả nước có khoảng 120.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà được nuôi ở 240 cơ sở sản xuất lợn giống. Đây là đàn lợn giống có chất lượng cao, giá trị lớn, phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất ra lợn bố mẹ.
“Bộ đã nghiên cứu và đang đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ các chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn thực tế hiện nay, Bộ đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại 25.000 đồng/kg; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác là 30.000 đồng/kg.
Việc hỗ trợ trên giá thành sản xuất sẽ ổn định và sát với chi phí thực tế mà người dân bỏ ra để chăn nuôi lợn; công bằng hơn giữa các địa phương và khả thi hơn trong điều kiện dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng, số lượng lợn phải tiêu huỷ lớn. Đồng thời, hạn chế được tình trạng khai báo và xác định không chính xác giữa các loại lợn, phù hợp với khả năng hỗ trợ ngân sách Nhà nước.