Điểm mới về chính sách thu lệ phí cấp thẻ căn cước
Ngày 25/11/2024, Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Căn cước quy định một số nội dung mới so với Luật Căn cước công dân, dẫn đến quy định về lệ phí cấp căn cước công dân tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân không còn phù hợp. Ngày 21/10/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (thay thế Thông tư số 59/2019/TT-BTC). Bài viết này phân tích một số điểm mới của chính sách thu lệ phí cấp thẻ căn cước.
Chính sách thu lệ phí cấp thẻ căn cước công dân trước ngày 21/10/2024
Căn cứ quy định Luật Phí và lệ phí và Luật Căn cước công dân, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân. Theo quy định tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí thẻ căn cước công dân.
Mức thu phí khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân; Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân; Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định các trường hợp miễn lệ phí bao gồm: (i) Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; (ii) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; (iii) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Các trường hợp không phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này bao gồm: (i) Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân; (ii) Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân; (iii) Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
Tổ chức thu nộp 100% tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc sản xuất, quản lý, cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân và thu lệ phí cấp Căn cước công dân do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quy định mới của Luật Căn cước
Luật Căn cước 2024 ra đời là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng công dân số, đẩy đạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, góp phần xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Căn cước quy định một số nội dung mới so với Luật Căn cước công dân, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thẻ căn cước được sử dụng thay thế cho thẻ căn cước công dân. Cơ quan công an thực hiện cấp thẻ căn cước, không tiếp tục thực hiện cấp thẻ căn cước công dân.
Theo đó, khoản 1 và khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa rõ: Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người. Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Đây là điểm mới quan trọng nhất của Luật Căn cước so với Luật Căn cước công dân. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người gồm: ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng.
Đồng thời, tại Luật Căn cước cũng quy định thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Theo đó, người dân đang có thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ; người dân đang có thẻ Căn cước công dân nếu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.
Thứ hai, bổ sung đối tượng cấp thẻ căn cước đối với công dân dưới 14 tuổi.
Điều 18 và Điều 19 của Luật Căn Cước năm 2023 quy định: “Tất cả các công dân Việt Nam dưới 14 tuổi đều có quyền được cấp Căn cước theo nhu cầu.”
Đây cũng là điểm mới của Luật Căn cước, việc mở rộng phạm vi đối tượng được cấp thẻ Căn cước dưới 14 tuổi nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của công dân, phù hợp với cuộc sống thực tiễn, góp phần giảm thiểu những giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy giá trị khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước và các tiện ích của thẻ căn cước trong việc thực hiện các giao dịch dân sự; phục vụ nhu cầu thiết yếu của công dân trong đi lại, học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch khác.
Bên cạnh đó, việc cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.
Quy định này không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích của công dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em. Nhờ đó, trẻ em có thể sử dụng thẻ căn cước cho nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống như sử dụng trong việc đi lại (máy bay, tàu hỏa...) học tập, khám chữa bệnh (không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiêm chủng...) và thực hiện các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống và thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân.
Thứ ba, theo quy định Luật Căn cước công dân thì đối với trường hợp thẻ bị hư hỏng không sử dụng được phải thực hiện cấp đổi thẻ.
Tại điểm a khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước quy định chuyển trường hợp này là trường hợp cấp lại thẻ.
Thứ tư, bổ sung quy định về việc cấp căn cước qua dịch vụ công trực tuyến đối với một số trường hợp nhằm tạo điều kiện cho công dân không phải tới cơ quan cấp căn cước.
Theo quy định của Luật Căn cước thì công dân được nộp hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước). Đây là điểm mới vì trước đây người dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân bắt buộc đến làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan công an.
Từ những điểm mới nêu trên của Luật Căn cước đã dẫn đến quy định thu lệ phí cấp thẻ căn cước công dân tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC không còn phù hợp cần nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo việc triển khai Luật Căn cước. Như vậy, cần thiết ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 59/2019/TT-BTC.
Điểm mới của chính sách thu lệ phí cấp thẻ căn cước
Căn cứ quy định Luật Phí và lệ phí, Luật Căn cước, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BTC ngày 21/10/2024 quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (thay thế Thông tư số 59/2019/TT-BTC). Thông tư có 07 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1); Người nộp lệ phí (Điều 2); Tổ chức thu lệ phí (Điều 3); Mức thu lệ phí (Điều 4); Các trường hợp miễn lệ phí (Điều 5); Kê khai, thu, nộp lệ phí (Điều 6); Tổ chức thực hiện (Điều 7).
Sau đây là một số điểm mới về quy định thu lệ phí cấp thẻ căn cước tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC.
Một là, về người nộp lệ phí.
Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí thẻ căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này.
Tại Điều 38 Luật Căn cước quy định công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu; Công dân phải nộp lệ phí khi cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, trừ những trường hợp sau đây: (i) Cấp đổi thẻ căn cước theo quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 24 của Luật này; (ii) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước do lỗi của cơ quan quản lý căn cước.
Căn cứ quy định Luật Căn cước, tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định người nộp lệ phí: Người nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này là công dân Việt Nam khi làm thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước, trừ các trường hợp không phải nộp lệ phí quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Luật Căn cước.
Hai là, về mức thu lệ phí.
Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, mức thu lệ phí phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc xác định mức thu lệ phí quy định trong Luật Phí và lệ phí, phù hợp với công việc thu lệ phí, cơ bản bù đắp chi phí phát sinh.
Qua 05 năm thực hiện, mức thu lệ phí cấp căn cước công dân đến nay cơ bản vẫn phù hợp với thực tế.
Vì vậy, mức thu lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC cơ bản được giữ như quy định tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC. Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Căn cước, tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định theo hướng không liệt kê các trường hợp cấp đổi, cấp lại mà viện dẫn theo quy định tại Điều 24 Luật Căn cước.
Riêng đối với trường hợp thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được thì được cấp lại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước (theo Luật Căn cước công dân thì đây là trường hợp cấp đổi nên tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định mức lệ phí cấp đổi đối với trường hợp này).
Về mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến, theo quy định của Luật Căn cước thì công dân được nộp hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần triển khai có hiệu quả việc cấp căn cước, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại cho người dân và làm tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, khi sử dụng dịch vụ công; từ đó thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến xây dựng Chính phủ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023, tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC đã bổ sung quy định mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ qua hình thức này. Theo đó, kể từ ngày 21/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo hình thức trực tuyến áp dụng bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC.
Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương giảm phí, lệ phí hỗ trợ sản xuất kinh doanhđã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tại Thông tư số 73/2016/TT-BTC quy định giảm 50% mức thu lệ phí đến hết năm 2024.
Ba là, về đối tượng miễn lệ phí.
Chính sách thu lệ phí cấp thẻ căn cước công dân hiện hành đang quy định miễn lệ phí đối với: (i) Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; (ii) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; (iii) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Tuy nhiên, Luật Căn cước không quy định các đối tượng miễn lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Điều 10 Luật Phí và lệ phí chỉ quy định một số đối tượng miễn, giảm phí, lệ phí nhất định.
Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy định Luật Phí và lệ phí, thống nhất với việc miễn lệ phí đăng ký cư trú quy định tại Thông tư số 75/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú (do đây là 02 khoản lệ phí có tính chất tương tự nhau, đều liên quan đến lĩnh vực quản lý dữ liệu dân cư), tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định miễn lệ phí đối với các trường hợp sau đây: (i) trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em; người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật; (ii) người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; (iii) đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Bốn là, về kê khai, nộp, quản lý lệ phí.
Điều 7 Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định về quản lý lệ phí: “Tổ chức thu nộp 100% tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.”
Điều 8 Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định về kinh phí thực hiện sản xuất, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và thu lệ phí: “1. Nguồn chi phí trang trải cho việc sản xuất, quản lý, cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân và thu lệ phí cấp Căn cước công dân do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Cơ quan thực hiện sản xuất, quản lý, cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân và thu lệ phí cấp Căn cước công dân có trách nhiệm lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định Luật ngân sách nhà nước.”
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 quy định hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính. Trong đó, đã quy định cụ thể hình thức khai, nộp phí, lệ phí của tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Hiện các Thông tư thu phí, lệ phí đều dẫn chiếu kê khai, nộp phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC. Để bảo đảm thống nhất, tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định người nộp lệ phí thực hiện nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho tổ chức thu lệ phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.
Tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí được ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu lệ phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.
Tại Thông tư số 73/2024/TT-BTC không quy định riêng điều về quản lý lệ phí và kinh phí thực hiện sản xuất, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, do các nội dung này đã được quy định tại viện dẫn theo Thông tư số 74/2022/TT-BTC.
Tóm lại, việc hoàn thiện chính sách thu lệ phí cấp thẻ căn cước nhằm mục tiêu bảo đảm chính sách thu lệ phí đồng bộ, thống nhất với pháp luật về căn cước và pháp luật về quản lý thuế. Với những nội dung sửa đổi như đã phân tích tại bài viết này, việc ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BTC đã góp phần hoàn thiện chính sách thu lệ phí cấp thẻ căn cước hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội, Luật Căn cước công dân;
- Quốc hội, Luật Căn cước;
- Quốc hội, Luật Phí và lệ phí;
- Chính phủ, Nghị định số 70/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước;
- Chính phủ, Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.